Thông tin từ ông Hoàng Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND xã An Bá (huyện Sơn Động, Bắc Giang) cho biết, tối 9/4 nhiều người tại địa phương nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cỗ đám cưới.
Ngày 5/4, gia đình bà P.T.T. tại khu Lán Than, thôn Vá, xã An Bá, huyện Sơn Động tổ chức cưới con gái. Lễ cưới diễn ra với khoảng 680 khách mời. Thực đơn mâm cỗ bao gồm: Cơm, xôi đỗ, miến xào, khau nhục, thịt trâu xào, sốt vang, thịt gà luộc, nộm rau, canh măng, canh ngao, tôm, cháo ngô, rượu, dưa hấu...
Gia đình bà T. thuê ông Trần Văn Thành người cùng thôn nấu cỗ trọn gói. Sau khi dự đám cưới xong, khoảng 2h ngày 6/4, nhiều thực khách có các triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, sốt… được đưa đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu.
Gần 60 người phải nhập viện sau khi ăn cỗ đám cưới tại Bắc Giang. (Ảnh: Báo Bắc Giang)Bác sĩ Lý Văn Tám - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Động cho biết, từ sáng 6/4 đến nay, đơn vị tiếp nhận 59 bệnh nhân (đều ăn cỗ nhà bà T.) đến khám với các biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần. Trong đó, 27 bệnh nhân nhập viện điều trị tại Khoa Nội lây và Khoa Ngoại.
Qua điều trị bước đầu, hầu hết bệnh nhân đã giảm triệu chứng, sức khỏe cơ bản ổn định sẽ được xuất viện trong 1 - 2 ngày tới, chỉ một số ít còn đau bụng. Ngoài số khách mời đến dự đám cỗ, nhiều người lấy thực phẩm về cho người thân ở nhà, sau khi sử dụng cũng bị đau bụng, buồn nôn.
Ngay sau khi nhận thông tin, xã An Bá đã chỉ đạo Trạm Y tế phối hợp với Tổ kiểm tra liên ngành của huyện thăm hỏi các gia đình có người nghi bị ngộ độc; lập biên bản đối với hộ ông Trần Văn Thành, đồng thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; tổ chức phun thuốc khử trùng khu vực nấu cỗ, tại nhà những gia đình có người nghi bị ngộ độc thực phẩm. Tiếp tục giám sát, theo dõi sức khỏe đối với những người đến ăn cỗ.
Bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện khuyến cáo các gia đình lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ nấu cỗ uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép. Đơn vị phối hợp với địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày và bữa ăn có tập trung đông người. Tổ chức kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các hộ kinh doanh dịch vụ nấu cỗ trên địa bàn.