Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Bắc Giang: Nữ sinh dân tộc Tày giành giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia

Thiên An - Mỹ Dung - 08:33, 09/06/2022

Nỗ lực vượt qua hàng ngàn thí sinh, Hoàng Thanh Huyền, nữ sinh dân tộc Tày, lớp 12 chuyên tiếng Trung, Trường THPT chuyên Bắc Giang đã trở thành thí sinh duy nhất trong cả nước, giành giải Nhất môn Tiếng Trung trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2021-2022.


Em Hoàng Thanh Huyền (người thứ hai từ phải sang trái)
Em Hoàng Thanh Huyền (người thứ hai từ phải sang trái)

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền núi nghèo Kim Bảng, xã An Lạc (huyện Sơn Động, Bắc Giang). Nơi Huyền sinh sống chủ yếu là người Tày và Nùng. Từ nhỏ Huyền cũng đã chứng kiến cuộc sống của bạn bè, các gia đình trong thôn rất khó khăn. Và cũng vì cái nghèo khó, mà người dân ít quan tâm đến việc đầu tư cho con cái học hành; bao năm qua Huyền cũng biết, quê em chưa có nhiều người thành đạt từ con đường học vấn. Huyền may mắn hơn là, bố mẹ em đều là giáo viên dạy tiểu học nên cũng cho em nhiều cơ hội học tập, vì thế em luôn có suy nghĩ phải cố gắng rèn luyện, học tập cho thật tốt.

Từ khi còn là học sinh cấp 2 của Trường PTDTNT huyện Sơn Động, khác với các bạn cùng lứa tuổi thích đọc truyện tranh, Huyền lại có sở thích là đọc những cuốn sách sử, văn học Trung Quốc và các tài liệu phát triển kinh tế -xã hội của đất nước này. Em nói, đây là quốc gia có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nằm liền kề với Việt Nam và cũng có những nét văn hóa tương đồng. Bởi vậy, ngoài thời gian học trên lớp, Huyền thường đến thư viện trường mượn các giáo trình, sách song ngữ liên quan đến Trung Quốc để tìm hiểu. 

Bốn năm học cấp 2, Huyền luôn có suy nghĩ phải học thật tốt, thi đỗ vào Trường THPT chuyên Bắc Giang để có cơ hội theo học lên cao môn tiếng Trung này. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với cô nữ sinh người Tày này, sau khi trúng tuyển vào lớp chuyên Tiếng Trung của trường, Huyền mới thấy tiếng Trung thực sự khó, cả phát âm, viết và nhớ mặt chữ. 

Để theo đuổi niềm đam mê, cô học trò nhỏ dành hầu hết thời gian để học nói, luyện đọc và luyện viết tiếng Trung; mua thêm giáo trình Hán ngữ nâng cao để tự học;…nhờ vậy mà kết quả khi ở trường, trong các lần thi tháng do nhà trường tổ chức định kỳ, cô nữ sinh dân tộc Tày này luôn dẫn đầu lớp về môn Tiếng Trung. 

Tiếp đến, năm 2021, Huyền đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Nhịp cầu Hán ngữ” lần thứ 14 dành cho học sinh các trường THPT tại Việt Nam, do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại sứ quán Trung Quốc phối hợp tổ chức thường niên. Đây là động lực để cô học trò say mê tiếng Trung, quyết tâm nỗ lực trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Trung năm học 2021-2022, với thành tích bứt phá vượt bậc - giải Nhất. 

Hoàng Thanh Huyền chia sẻ: "Giải Nhất quốc gia là bất ngờ, niềm vui lớn của em sau sự cố gắng của mình. Em đang cùng các bạn tập trung ôn luyện và hoàn thành tốt các chương trình học lớp 12. Đồng thời, trang bị thêm kiến thức tiếng Trung cho bản thân để tự tin bước vào giảng đường đại học".

Là giáo viên trực tiếp giảng dạy, bám nắm theo từng học sinh theo đội tuyển tiếng Trung, trường THPT chuyên Bắc Giang, cô Nguyễn Thị Hiên cho biết: “Huyền là học sinh có tố chất ngoại ngữ. Huyền không chỉ học ngôn ngữ mà em còn biết kết hợp tìm tòi, mở rộng hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội của đất nước Trung Quốc nên đã tích lũy được kiến thức sâu rộng”.

Lễ vinh danh học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh năm học 2021-2022 của trường Chuyên THPT Bắc Giang
Lễ vinh danh học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh năm học 2021-2022 của trường Chuyên THPT Bắc Giang

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, thầy Trần Duy Phương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Giang cho biết, việc phát hiện và đào tạo nhân tài là nhiệm vụ xuyên suốt trong các năm học của nhà trường. Trong 5 năm trở lại đây, nhà trường liên tục có học sinh đoạt giải cao môn Tiếng Trung tại các kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia. "Nhà trường rất phấn khởi, tự hào và ghi nhận tinh thần nghị lực, chịu khó rèn luyện, học tập, nỗ lực của em Hoàng Thanh Huyền. Đây là kết quả em Huyền xứng đáng được nhận”, thầy Trần Duy Phương chia sẻ


Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.