Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bắc Hà (Lào Cai): Chủ động triển khai sớm công tác phòng chống rét cho đàn gia súc

Tráng Xuân Cường - 20:34, 07/11/2021

Khi đón những đợt không khí lạnh đầu tiên, cũng là thời điểm bà con người Mông, Dao, Phù Lá… ở Bắc Hà (Lào Cai) khẩn trương triển khai các biện pháp che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trong mùa Đông.

Cán bộ khuyến nông Bắc Hà tăng cường xuống cơ sở giúp dân chống đói, rét cho gia súc.
Cán bộ khuyến nông Bắc Hà tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn đồng bào chống đói, rét cho gia súc trong mùa Đông

Theo chân Đoàn cán bộ Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân huyện đi thực tế một số xã vùng cao như Tả Văn Chư, Lùng Phình, Hoàng Thu Phố, Thải Giàng Phố, Bản Phố… không khó để bắt gặp những thảm cỏ voi, những luống ngô dày xanh mướt mắt được bà con người Mông, Dao, Phù Lá, Tày, Nùng... tận dụng trồng bên bờ tả ly cạnh đường hay mảnh nương, ruộng hoang hoá xưa kia. Đây là sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và đổi mới phương thức sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hoá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của bà con nông dân vùng cao Bắc Hà.

Tính đến hết tháng 10/2021, chính quyền các cấp và các cơ quan đoàn thể huyện Bắc Hà đã vận động được 4.067 hộ thực hiện trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, chiếm 61,83 % số hộ chăn nuôi; tổng diện tích cỏ trồng toàn huyện là 382 ha, sản lượng ước đạt 106.196 tấn; giống cỏ chủ yếu là cỏ VA06, cỏ voi có năng suất cao, dễ trồng; vận động được 1.340 hộ gieo trồng ngô với tổng diện tích 88,4ha. Đồng thời huyện cũng đã vận động được 4.027 hộ chăn nuôi gia súc dự trữ được từ 200 kg thức ăn/con gia súc trở lên (tỷ lệ 61,2 % số hộ chăn nuôi gia súc).

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết, những năm gần đây, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện đã tăng cả về số lượng và chất lượng với tổng đàn gần 20.000 con. Để phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, các xã, thị trấn thường xuyên xuống tận nơi hướng dẫn, hỗ trợ bà con. Qua đánh giá, cơ bản các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã có chuồng trại kiên cố, dự trữ đủ lượng thức ăn trong mùa Đông.

Mặc dù vào mùa Đông, nhiệt độ xuống thấp, có thời điểm xuống tới -1 độ C nhưng xã Thải Giàng Phố chưa để xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết đói, chết rét. 

Chăn nuôi bò là nguồn thu nhập chính của gia đình anh Giàng Củi Sếnh, thôn Ngải Phóng Chồ. Với kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm, anh Sếnh chia sẻ: Bên cạnh việc tích trữ thức ăn cho đàn gia súc như trồng thêm cỏ, tích trữ hạt, cây ngô, cám, gia đình tôi cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải để chuồng khô ráo, sạch sẽ. Theo dõi trên báo, đài tôi được biết năm nay mùa Đông đến sớm hơn, khả năng lạnh hơn nên gia đình cũng đã chuẩn bị thức ăn, bạt che, tiêm phòng đầy đủ cho gia súc.

Ông Giàng Seo Mùa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thải Giàng Phố thông tin thêm, trước mùa đồng xã đã triển khai nhiều phương án phòng, chống đói, rét cho gia súc tới các thôn. Công tác tiêm phòng, khử trùng tiêu độc chuồng trại, tiêm vắc xin phòng ngừa các bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng được thực hiện đối với hầu hết đàn gia súc của xã. Ngoài ra, xã tuyên truyền, hướng dẫn đến từng hộ chăn nuôi cách che chắn chuồng trại đúng cách, vận động người dân tích trữ rơm, rạ sau mùa gặt.

Các hộ chăn nuôi tăng cường cho trâu ăn bổ sung cám ngô, gạo và uống nước ấm pha muối để tăng cường sức đề kháng trong mùa rét
Các hộ chăn nuôi tăng cường cho trâu ăn bổ sung cám ngô, gạo và uống nước ấm pha muối để tăng cường sức đề kháng trong mùa rét

Với sự vào cuộc của các ngành chức năng, sự chủ động của người dân trong việc phòng chống đói rét cho trâu, bò, hi vọng người chăn nuôi ở Bắc Hà sẽ bảo vệ tốt vật nuôi của mình qua mùa Đông giá rét.

Tin cùng chuyên mục
Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Từ ngàn xưa, cây sâm Ngọc Linh được đồng bào Xơ Đăng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam rất trân quý, gọi là cây “thuốc giấu”, và xem đó là món quà do Giàng (Trời) ban để bồi bổ sức khoẻ cũng như chữa bệnh. Ngày nay đã thành thông lệ, mỗi tháng một lần, những phiên chợ sâm Ngọc Linh “độc nhất vô nhị” đã thu hút các đại gia từ mọi miền đất nước đổ về tìm mua sâm. Đây cũng là dịp để những “tỷ phú xứ núi” gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng cây “thuốc giấu”.