Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Bác Hồ với đồng bào DTTS

ThS. Nguyễn Thị Thúy - 06:25, 03/05/2024

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm đặc biệt cho đồng bào các DTTS.

(Báo in) Bác Hồ với đồng bào DTTS

“Cái tình thân ái ấy không bao giờ phai lạt…”

Sự đoàn kết, kề vai sát cánh của đồng bào các DTTS với đồng bào Kinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc rất quan trọng. Vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

Khi bắt đầu về nước hoạt động cách mạng, Bác về vùng đồng bào DTTS. Bác xây dựng các căn cứ cách mạng tại vùng đồng bào DTTS, lựa chọn những cán bộ đầu tiên để xây dựng chi bộ Đảng cũng là các đồng chí người DTTS. Trong 34 chiến sỹ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có tới 29 cán bộ là người DTTS.

Trong suốt thời gian ở Việt Bắc, Người đã gắn bó thân thiết với cảnh vật và con người nơi đây. Người luôn gần gũi, quan tâm tới các cụ già, vui đùa và tặng quà cho các cháu nhỏ, nói tiếng của đồng bào địa phương nơi Người ở.

Gắn bó, “nếm mật nằm gai” cùng đồng bào các DTTS miền núi phía Bắc trong suốt những năm đấu tranh giành chính quyền, ngày 20/3/1946, trong “Thư gửi đồng bào các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang”, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ lòng mình, vì bận nhiều công việc, nên “không thể trả lời riêng cho mỗi đoàn thể hay mỗi một đồng bào”.

Song Người luôn luôn nhớ đến lòng yêu mến và sự giúp đỡ của các đồng bào trong những ngày tháng ở thượng du. “Tôi luôn luôn nhớ đến tình thân mật mà các đồng bào đối với tôi trong những lúc chúng ta gặp gỡ nhau... Tôi luôn nhớ đến những lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy có xa cách nhưng lòng tôi vẫn luôn luôn gần gũi anh em. Tôi chắc rằng cái tình thân ái ấy không bao giờ phai lạt” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.239).

Hay trong Thư gửi đồng bào thượng du, Người viết: “Trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, đồng bào thiểu số đã tỏ lòng nồng nàn yêu nước... Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào và trân trọng hứa rằng đến ngày kháng chiến thành công, Tổ quốc và Chính phủ sẽ luôn ghi nhớ công lao của đồng bào” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.119).

Trong không khí những ngày tháng 5 lịch sử, cả nước đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 134 năm (19/5/1890 - 19/5/2024 ) ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị Cha già, Người lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới, một vài dòng suy nghĩ về tình cảm của Bác đối với đồng bào các DTTS để thấy được tầm nhìn xa, sự hiểu biết hết sức vĩ đại của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân tộc vẫn giữ nguyên giá trị trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách dân tộc hiện nay.

Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào

Trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam diễn ra tại Pleiku ngày 19/4/1946, Người nói rằng: “Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

Và Người khẳng định: “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, Người đã rất chăm lo đến đời sống của đồng bào DTTS, động viên, khuyến khích đồng bào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Nhiều năm sống cùng với đồng bào, Bác rất hiểu tập quán, lối sống, vì vậy Bác thường nhắc nhở đồng bào không nên du canh du cư để tránh tàn phá rừng, vì rừng là vàng, là bạc, là nguồn sống quý giá... Bác chỉ dẫn chính quyền cần quan tâm xây dựng hệ thống thủy lợi để làm nông nghiệp; phát triển đường giao thông để thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Dành một tình cảm đặc biệt đối với đồng bào DTTS, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 612).

Quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý tới tâm lý, phong tục tập quán, tiếng nói của đồng bào các dân tộc. Bác nhắc nhở cán bộ rằng, mỗi dân tộc có phong tục, truyền thống riêng, tâm lý, tính cách riêng, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa cũng không đồng đều. Vì vậy, khi hoạch định chính sách cũng cần quan tâm đến bản sắc văn hóa và trình độ phát triển từng dân tộc. Đồng thời nhắc đồng bào tiết kiệm trong ma chay, cưới xin, tránh gây phiền phức.

Người căn dặn các cán bộ đi công tác miền núi: “Nước ta có nhiều dân tộc, đấy là điểm tốt. Mỗi dân tộc có một tiếng nói riêng, có hai dân tộc một tiếng nói. Cán bộ đi làm việc ở chỗ nào, phải học tiếng nói ở đấy”. Đồng thời, công tác xây dựng đời sống mới ở vùng các dân tộc thiểu số được đặt ra một cách cấp bách, nhưng là một quá trình mang tính liên tục, lâu dài và cán bộ cơ sở phải có tinh thần trách nhiệm cao: “...Muốn cải tạo phong tục tập quán được tốt, thì tuyên huấn phải làm, mà phải làm bền bỉ liên tục, làm dần dần, chứ không thể chủ quan nóng vội, muốn làm hết ngay một lúc...” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.128).

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn coi trọng việc tuyên truyền đến giáo dục, giúp đỡ để đồng bào nhận thức sâu sắc hiểu được sự cần thiết phải xóa bỏ các thành kiến dân tộc, khắc phục những tập tục lạc hậu, chăm lo phát triển sản xuất, để từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Tin cùng chuyên mục
Cao Bằng: Khánh thành công trình thanh niên "Số hóa Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950"

Cao Bằng: Khánh thành công trình thanh niên "Số hóa Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950"

Ngày 2/12, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, xã Đức Long (Thạch An), Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh tổ chức khánh thành công trình thanh niên "Số hóa Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950".