Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Bắc Kạn: Muôn vàn nỗi lo mùa mưa bão

Minh Thu - 10:10, 01/09/2020

Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 2.300 điểm có nguy cơ sạt lở cao, đe dọa cuộc sống của hơn 2.600 hộ dân. Trong khi đó, tỉnh thiếu nguồn lực để di dời, bố trí dân cư tới nơi an toàn, nên còn muôn vàn nỗi lo vào mùa mưa bão...

Nguy cơ từ sạt lở đất luôn hiện hữu và là nỗi lo của người dân Bắc Kạn trong mùa mưa bão.
Nguy cơ từ sạt lở đất luôn hiện hữu và là nỗi lo của người dân Bắc Kạn trong mùa mưa bão.

Sống trong sợ hãi

Ngôi nhà của gia đình bà Lưu Thị Sen nằm ngay dưới chân đồi Nà Khon, xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới. Từ đầu mùa mưa bão đến nay, không dưới ba lần bà Sen cùng các con cháu phải ngủ nhờ ở nhà người quen mỗi lần có thông tin về mưa bão. “Mỗi lần mưa to, nước cuốn theo đất đá chảy ầm ầm vào trong nhà. Gia đình tôi không dám ngủ ở nhà, phải chạy sang nhà họ hàng ở tạm. Dù rất sợ hãi nhưng chúng tôi vẫn phải sống ở đây vì không có tiền mua đất làm nhà ở chỗ khác”, bà Sen cho biết.

Tại huyện Chợ Đồn, từ hơn 10 năm qua, người dân xã Ngọc Phái và thị trấn Bằng Lũng luôn phải “sống trong sợ hãi”, bởi nỗi đe dọa từ những điểm sụt lún. Nhiều hố sụt lún xuất hiện liên tiếp, có hố rộng cả trăm mét vuông, “nuốt chửng” đất ruộng, ao, vườn, làm nứt, vỡ nền nhà nhiều hộ dân. Ngay những ngày đầu tháng 7/2020, hơn 1ha ruộng bị sụt lún đã khiến hàng chục hộ gia đình thôn Bản Diếu, xã Ngọc Phái mất trắng mùa vụ.

Do ảnh hưởng của mưa bão, sụt lún, năm 2019, toàn huyện Chợ Đồn bị thiệt hại, hư hỏng 286 nhà dân, 4 điểm trường, 1 nhà văn hóa. 70% diện tích trong số 5ha lúa và hơn 28ha cây màu bị thiệt hại, hư hỏng. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, thiên tai, sụt lún đã gây hư hỏng 259 nhà ở, 2 điểm trường, 1 trạm y tế xã, hơn 40ha hoa màu, gần 4ha rừng; tổng thiệt hại khoảng hơn 2 tỷ đồng.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho thấy: Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.300 điểm có nguy cơ sạt lở, đe dọa tính mạng, tài sản của hơn 2.600 hộ dân. Nhiều điểm từ chỗ có nguy cơ đã trở thành hiểm họa thật sự. Như ở Quốc lộ 3, đoạn từ huyện Chợ Mới tới TP. Bắc Kạn chỉ khoảng 30 km, nhưng có đến 9 vị trí nguy hiểm do một bên là núi cao, vách dựng đứng, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đá lăn khi các lớp đá vôi bị phong hóa, mất liên kết.

Mặt khác, vì thiếu mặt bằng nên hầu hết người dân tại các huyện phải san ủi đồi, núi làm nhà ở, hình thành những khu dân cư nằm dưới taluy dương, tăng nguy cơ sạt lở rất cao. Nhưng do tỉnh thiếu kinh phí cho nên chưa thể khắc phục và di dời dân đến nơi ở mới an toàn hơn.

Cần ưu tiên kinh phí cho những dự án di dời dân

Để bảo đảm an toàn cuộc sống cho Nhân dân, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025 để triển khai 79 dự án bố trí ổn định dân cư cho 2.609 hộ dân, với tổng vốn hơn 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2016 đến 2019, tỉnh mới chỉ bố trí được hơn 118 tỷ đồng xây dựng 6 dự án bố trí dân cư tập trung, 5 phương án bố trí dân cư xen ghép, ổn định chỗ ở cho 244 hộ dân. So với nhu cầu thực tế, con số này chưa thấm vào đâu (chỉ đạt khoảng 26% ở những điểm nguy cơ cao). So với tổng số hơn 2.600 hộ cần bố trí, thì số chưa có chỗ ở an toàn thật sự là điều đáng lo ngại mỗi mùa mưa bão.

Ông Quách Đăng Quý, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Vì thiếu kinh phí nên việc thống kê những hộ đang cư trú tại nơi có nguy cơ sạt lở cao, vẫn chỉ để phục vụ công tác cảnh báo. Việc di dời chưa được thực hiện đồng bộ, mới chỉ bố trí xây dựng được một vài khu tái định cư cho những hộ đang rất nguy cấp. Hơn nữa, tổng mức đầu tư cho các dự án bố trí dân cư tập trung cần nguồn kinh phí lớn, trong khi đó, nguồn phân bổ từ Trung ương rất ít, ngân sách địa phương không thể cân đối hỗ trợ được”.

Để khắc phục việc thiếu kinh phí, đối với những vùng nguy cơ sạt lở, tỉnh Bắc Kạn đang thực hiện các phương án bố trí dân cư xen ghép và tại chỗ. Trước mắt, tỉnh dự kiến bố trí hơn 229 tỷ đồng để sắp xếp, ổn định dân cư cho 1.295 hộ dân là các đối tượng vùng có nguy cơ cao. Tuy nhiên, do không có kinh phí, chưa biết khi nào số dân trong quy hoạch được bố trí chỗ ở an toàn khi nguy cơ sụt lún, sạt lở đất vẫn đang lơ lửng trước mắt, nhất là trong mùa mưa bão.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Tập trung xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau lũ

Thanh Hóa: Tập trung xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau lũ

Ngay sau khi nước rút, các địa phương bị ngập lụt trên địa bàn huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Đây là địa phương có nhiều hộ dân bị ngập lụt nhất tỉnh Thanh Hóa.