Báo cáo nhanh sáng 19/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 21h ngày 18/8, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất đã làm 6 người chết (Vĩnh Phúc: 2 người, Lào Cai 1 người; Sơn La 1 người, Lai Châu 1 người, Thái Nguyên 1 người).
Về nhà ở, 334 nhà bị hư hỏng hoặc di dời khẩn cấp; 556ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 3 con gia súc, 72 con gia cầm bị xuốn trôi. Nhiều tuyến đường tỉnh, liên xã bị sạt lở với tổng chiều dài 1.960 m, khoảng 65.100 m3 đất đá sạt lở.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại. Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các vị trí nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, thành lập các đội tìm kiếm cứu nạn người mất tích, bị thương; huy động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Đáng chú ý, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 113,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 20/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 24,1 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Nhằm tiếp tục triển khai ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất có khả năng xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố và các Bộ ngành triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ, bão, mưa, lũ theo nội dung Công điện số 08/CĐ-TWPCTT ngày 17/8/2020.
Đối với các tỉnh ven biển, tập trung kiểm đếm tàu thuyền trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn. Các địa phương miền núi phía Bắc tổ chức thường trực đến thôn 24/24h để theo dõi, cảnh báo, xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Đặc biệt, cần cử người canh gác, cắm biển cảnh báo hoặc rào chắn các ngầm tràn để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông để đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa.
Các địa phương xác định những vị trí có thể xảy ra ngập úng cục bô khu đô thị, sản xuất nông nghiệp và thông báo đến người dân. Tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ để ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân./.