Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Ổn định đời sống người dân vùng nguy cơ sạt lở huyện biên giới Sìn Hồ

PV - 10:31, 09/08/2020

Huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm đến công tác di dời dân cư ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở. Qua đó, hàng trăm hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm được chuyển đến nơi ở mới an toàn; yên tâm phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Sìn Hồ (Lai Châu) kiểm tra mức độ an toàn của các hộ gia đình nằm trong diện di dời. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN
Cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Sìn Hồ (Lai Châu) kiểm tra mức độ an toàn của các hộ gia đình nằm trong diện di dời. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Điểm sáng nơi tái định cư

Với đặc thù của huyện vùng cao với địa hình đồi núi dốc, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nhiều khe suối, huyện Sìn Hồ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá tại các bản dân cư vào mùa mưa lũ, ảnh hưởng đến tình mạng, tài sản của nhân dân. Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Sìn Hồ đã chủ động xây dựng phương án, kinh phí di dời hàng trăm hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở, giúp nhân dân có nơi ở mới an toàn.

Theo đó, trong hơn ba năm qua, huyện Sìn Hồ đã di chuyển gần 1.000 hộ dân từ vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới. Trong số hơn 100 hộ nằm trong diện di chuyển được phê duyệt năm 2020, Sìn Hồ đã di chuyển được 76 hộ, hơn 30 hộ đang hoàn thiện nhà. Cuộc sống những hộ dân được chuyển đến nơi ở mới cơ bản đã ổn định. Một số hộ đã tập trung phát triển kinh tế với nguồn thu nhập từ chăn nuôi trâu, dê, lợn; trồng lúa, trồng chè...

Người dân bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo yên tâm phát triển kinh tế ở vùng đất tái định cư mới. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN
Người dân bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo yên tâm phát triển kinh tế ở vùng đất tái định cư mới. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Điển hình, Sáng Tùng là bản đầu tiên hoàn thành việc di chuyển người dân về nơi tái định cư mới của xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ. Trưởng bản Sáng Tùng Hảng A Binh kể lại, vào tháng 6/2018, bản Sáng Tùng cũ xảy ra sạt lở đất, vùi lấp 24/28 ngôi nhà. Nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền tỉnh Lai Châu, cả bản được chuyển đến nơi ở tái định cư cách bản cũ khoảng 3km.

Hiện nay, toàn bản có 29 hộ đồng bào dân tộc Mông, với gần 300 nhân khẩu đang sinh sống ở khu tái định cư. Sau hơn một năm sinh sống ở đây, đời sống của bà con trong bản từng bước ổn định, đồng bào dân tộc yên tâm phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần cải thiện cuộc sống. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo bản Sáng Tùng giảm xuống; thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm, chủ yếu nhờ trồng lúa, chè, thảo quả kết hợp với chăn nuôi lợn, trâu, dê…

Cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Sìn Hồ (Lai Châu) thăm các gia đình ở khu tái định cư bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN
Cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Sìn Hồ (Lai Châu) thăm các gia đình ở khu tái định cư bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Bà Mùa Thị Pà, người dân bản Sáng Tùng cho biết, từ khi chuyển về nơi ở mới, gia đình bà và người dân trong bản bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Nhờ đó đến nay, đời sống của gia đình bà dần ổn định. Bà yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Khác với niềm vui của gia đình bà Pà, gia đình anh Vừ A Trừ, bản Lo Lử Đề, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ hiện vẫn còn 5 nhân khẩu đang sống trong ngôi nhà treo leo trên đỉnh đồi, hai bên sườn nhà khe suối chảy róc rách. Những ngày mưa to, gió lốc, anh Vừ A Trừ luôn thấp thỏm lo âu vì nguy cơ sạt lở đất, lũ quét rình rập, có thể cuốn trôi cả nhà bất cứ lúc nào. Anh Trừ mong muốn chính quyền các cấp sớm di chuyển gia đình anh đến nơi ở mới an toàn hơn để đảm bảo tính mạng, tài sản; sớm ổn định phát triển kinh tế, nuôi con cái ăn học đầy đủ.

Chỉ tính riêng năm 2019, huyện Sìn Hồ bị thiệt hại gần 4,3 tỷ đồng do thiên tai gây ra; trong đó, 255 ngôi nhà bị ảnh hưởng, hơn 8 ha hoa màu bị vùi lấp, cuốn trôi cùng nhiều công trình giao thông, y tế, giáo dục thiệt hại…

Việc sắp xếp và bố trí người dân ra khỏi vùng thiên tai của huyện Sìn Hồ hiện còn nhiều khó khăn do địa hình đồi núi dốc, giao thông đi lại khó khăn, nhiều lưu vực sông suối. Ngoài ra, việc bố trí quỹ đất để sắp xếp dân cư hạn hẹp, trong khi nguồn kinh phí đầu tư bố trí dân cư lớn. Do đó, hiện vẫn còn nhiều hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Các khu tái định cư thiếu nước sinh hoạt, điện lưới quốc gia, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con.

Ông Nguyễn Ngọc Chỉnh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ cho biết: Sìn Hồ thường chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra vào các mùa mưa lũ. Hàng năm, UNND huyện Sìn Hồ đều tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn; đồng thời hỗ trợ cây giống và vật nuôi cho bà con để tạo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trước những khó khăn trong công tác di dời người dân, ông Nguyễn Ngọc Chỉnh cho biết, huyện Sìn Hồ mong muốn các cấp, ngành quan tâm xem xét, bổ sung kinh phí để huyện đưa người dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản, giúp bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.