Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bắc Kạn: Triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Lê Xuân Thắng - 18:56, 05/07/2023

Chủ động bám sát các chỉ đạo từ Trung ương, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, những năm qua tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Nhiều mô hình kinh tế tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn phát huy hiệu quả, giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững.
Nhiều mô hình kinh tế tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn phát huy hiệu quả, giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững

Bám sát các chỉ đạo từ trung ương

Bắc Kạn là tỉnh miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, bảo đảm kịp thời và đúng quy định. Trong đó, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 29/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đối với từng Chương trình MTQG, đề án, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719. Các Chương trình, chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ, sâu rộng đã phát huy được hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 97,3% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 98,5% số hộ ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã được phủ sóng điện thoại di động, tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 95,4%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 96,3%...

Thôn Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông là một minh chứng điển hình cho việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ông Triệu Văn Hữu - Trưởng thôn Thôm Ưng chia sẻ, cách đây 10 năm, mọi sinh hoạt của người dân trong thôn phần lớn diễn ra vào ban ngày, vì không có điện. Nước sạch và tưới tiêu cho trồng trọt phụ thuộc vào thiên nhiên. Bên cạnh đó, giao thông cách trở, giáo dục, y tế bị tụt hậu. Có thể nói, thôn hoàn toàn bị biệt lập với bên ngoài.

Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, năm 2021, cả thôn Thôm Ưng chính thức hòa điện lưới quốc gia. Có điện, mọi mặt của đời sống xã hội nơi đây đã hoàn toàn đổi thay. Thông qua Tivi, báo đài, người dân dễ dàng tiếp cận nhanh chóng, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người dân đã biết quan tâm đến sức khỏe của mình. Phụ nữ sinh đẻ đã đến bệnh viện thăm khám, theo dõi thai kỳ và sinh tại bệnh viện… Vài năm trở lại đây, thôn không có người sinh con thứ 3, đồng bào luôn đoàn kết, gắn bó. Ngoài ra, 100% trẻ trong thôn được tới trường.

Các cấp chính quyền tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi
Các cấp chính quyền tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi

Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi

Đầu tư hạ tầng thiết yếu là một trong những nội dung quan trọng thực hiện Chương trình MTQG 1719. Nội dung này đang được tỉnh Bắc Kạn tập trung chỉ đạo, triển khai nhằm đảm bảo tiến độ và đạt được hiệu quả cao.

Bó Pia - một trong những thôn khó khăn bậc nhất của xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn với phần lớn đồng bào dân tộc Dao sinh sống, trước đây đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Năm 2022, thôn được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 để bê tông hóa đường nội thôn. Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự chung tay của bà con trong thôn, đường nội thôn có chiều dài 300m đã sớm hoàn thành, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân.

Trong năm 2022, toàn tỉnh Bắc Kạn thực hiện đầu tư, xây dựng 249 công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó có 114 công trình giao thông nông thôn, 2 công trình cấp điện, 71 công trình trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 công trình lớp học, 43 công trình thủy lợi, 8 công trình khác, 7 công trình đường giao thông liên xã và thực hiện duy tu bảo dưỡng 91 công trình trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, với tổng nguồn vốn được giao 150.823 triệu đồng.

Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 (giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 22,22%, số hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 18.235 hộ, giảm 2.046 hộ).

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Kạn quyết tâm giải quyết việc làm cho 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Tối thiểu 500 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai 7 dự án với tổng kế hoạch vốn trên 236 tỷ đồng, trong đó có dự án 4 là phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.

Nhờ việc triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, chất lượng đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ngày càng được nâng cao.
Nhờ việc triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, chất lượng đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ngày càng được nâng cao

Theo bà Triệu Thị Thu Phương - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục tập trung tham mưu cho tỉnh trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc. Trong đó sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức, kiến thức về công tác dân tộc trong toàn hệ thống chính trị đến người dân; phát huy dân chủ ở cơ sở, đảm bảo thực hiện đúng, hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”... Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719.

Tin cùng chuyên mục
Văn Quan (Lạng Sơn): Linh hoạt, chủ động, sáng tạo nhằm sớm thoát khỏi huyện nghèo

Văn Quan (Lạng Sơn): Linh hoạt, chủ động, sáng tạo nhằm sớm thoát khỏi huyện nghèo

Giai đoạn 2021-2025, theo chuẩn nghèo đa chiều, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn vẫn nằm trong danh sách là một trong 74 huyện nghèo của cả nước. Nhằm đưa kinh tế-xã hội huyện tăng trưởng, phát triển, phấn đấu đến năm 2025 huyện Văn Quan thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, Đảng bộ, chính quyền Văn Quan đã đề ra nhiều giải pháp, lựa chọn những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện.