Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bạc Liêu: Mô hình lúa-tôm đang cho hiệu quả kinh tế cao

PV - 11:40, 03/07/2018

Thời gian qua, với việc phá thế độc canh cây lúa, bằng mô hình sản xuất lúa-tôm ở Bạc Liêu đã khẳng định được tính bền vững và có khả năng thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu. Với tổng diện tích sản xuất đến nay, vượt hơn 33.740ha (chiếm khoảng 25% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh), mô hình này được đánh giá là mô hình sản xuất hiệu quả và cần nhân rộng trong thời gian tới.

Nông dân huyện Hồng Dân cấy lúa trên đất tôm. Nông dân huyện Hồng Dân cấy lúa trên đất tôm.

 

Với quy trình sản xuất bắt đầu thả tôm giống từ tháng 2–3 và kết thúc sản xuất vào tháng 7, trung bình nuôi 2 vụ/năm, năng suất từ 200- 350kg/năm và cho lợi nhuận khoảng 20-25 triệu đồng/ha/năm, mô hình sản xuất lúa-tôm đã và đang được nhân rộng ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A.

Theo ông Lâm Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, ngoài thu lợi trực tiếp từ cây lúa và con tôm, mô hình còn sản xuất kết hợp với nhiều loại thủy sản khác như tôm-lúa-cá. Trong đó, tôm càng xanh và cua biển mang lại lợi nhuận khá cao. Chỉ tính riêng con tôm càng, với mật độ nuôi thêm từ 1-2 con/m2, giống được thả ương trước khi sạ lúa từ 1-1,5 tháng, năng suất tôm càng thu được 100-150kg/ha/năm, lợi nhuận tăng thêm khoảng 10 triệu đồng/ha/năm.

Nông dân Ngô Văn Cang ở ấp Phước Thạnh, (xã Phước Long, huyện Phước Long) thu hoạch tôm càng từ mô hình sản xuất lúa-tôm. Nông dân Ngô Văn Cang ở ấp Phước Thạnh, (xã Phước Long, huyện Phước Long) thu hoạch tôm càng từ mô hình sản xuất lúa-tôm.

 

Ông Tùng còn cho hay, khi thả nuôi thêm cua biển cũng cho năng suất từ 50- 70kg/ha/năm, lợi nhuận mang lại từ 7-10 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, trên các bờ liếp vuông tôm cũng có thể trồng thêm các loại cây màu như bầu, bí và một số loại rau giúp tăng thêm thu nhập. Qua đó cho thấy, mô hình sản xuất lúa-tôm đã chứng minh được tính hiệu quả, làm tăng thêm giá trị kinh tế thông qua phát triển đa con, đa cây.

Không chỉ phù hợp, từ khi đưa con tôm vào sống chung trên đất lúa, thì vùng đất này như được hồi sinh và chuyện trúng tôm kiếm lãi vài ba chục triệu đồng/công không phải là chuyện hiếm. Nông dân Ngô Văn Cang ở ấp Phước Thạnh, (xã Phước Long, huyện Phước Long) cho biết: “Với 7 công đất áp dụng mô hình lúa-tôm từ năm 2008 cho đến nay, gia đình tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng/năm. Mỗi năm tôi nuôi 2 vụ tôm: từ tháng 1-4 và từ tháng 4-8, sau khi thu hoạch tôm xong thì sản xuất lúa. Nếu so với trước đây chỉ làm 1 vụ lúa mùa, thì đời sống nông dân bây giờ khá hơn nhiều và việc làm gần như có quanh năm.

Ông Huỳnh Văn Thụ ở ấp 5, xã Phong Tân thị xã Giá Rai, cũng thực hiện mô hình tôm-lúa cho biết:  “Khoảng 5 năm trở về đây do tình trạng mặn xâm nhập nhiều, nên lúa trong vuông tôm không sạ được, vì mặn tăng lên. Chính vì vậy, canh tác theo mô hình tôm-lúa được áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Tuy nhiên, nếu tính toán kỹ năng suất mô hình lúa- tôm vẫn còn đạt thấp, do giá trị tài nguyên đất vẫn chưa được khai thác triệt để; giá trị tăng thêm mang lại không nhiều, do việc thả nuôi với mật độ thưa, nông dân vẫn còn quen với tập quán sản xuất cũ, chưa đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ mới vào sản xuất làm tăng năng suất, chất lượng...

Theo, Ths.Nguyễn Công Thành, Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao Công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), cần tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích về mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa vật nuôi và cây trồng trong hệ sinh thái đồng ruộng.

Bên cạnh đó, cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất con giống nhằm chọn ra các giống thủy sản có sức đề kháng cao với dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

PHƯƠNG NGHI