Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bạc Liêu: Nhiều thành quả trong phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS

Tào Đạt - 09:40, 21/11/2024

Thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ III, năm 2019, trong 5 năm qua (2019-2024), các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Nhờ đó, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Đời sống vật chất của đồng bào DTTS của tỉnh Bạc Liêu luôn được quan tâm (Trong ảnh: Ông Lương Văn Pho, Phó Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh và Đoàn công tác trao tặng nhà tình thương tại huyện Hòa Bình)
Đời sống vật chất của đồng bào DTTS của tỉnh Bạc Liêu luôn được quan tâm (Trong ảnh: Ông Lương Văn Pho, Phó Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh và Đoàn công tác trao tặng nhà tình thương tại huyện Hòa Bình)

Hoàn thành tốt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ

Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư, tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành tốt đối với nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,04%/năm; tổng sản phẩm GRDP đạt 36.448 tỷ đồng (tăng 30% so với năm 2019) xếp thứ 5/13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thu nhập bình quân đầu người đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng (tăng gấp đôi so với năm 2019); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (nông nghiệp 40,14%; Công nghiệp – xây dựng 19,64% và dịch vụ 35,27%).

Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu đã thu hút và cấp chủ trương, đăng ký đầu tư được 83 dự án (trong đó, có 76 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là khoảng 41.180 tỷ đồng; 07 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 4,14 tỷ USD), các dự án đầu tư chủ yếu là các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, nhà ở thương mại, xây dựng khu đô thị, nhà máy chế biến thủy sản, nuôi tôm công nghệ cao,…

Các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào DTTS đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ theo hướng kiên cố và vững chắc, làm thay đổi một cách cơ bản, toàn diện bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS.

Đến nay, 100% các xã đông đồng bào DTTS sinh sống đều có đường ô tô đến trung tâm xã; các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân giúp cho việc đi lại sản xuất, sinh hoạt, lưu thông vận chuyển hàng hoá được thuận lợi; 99,3% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 100% xã có điện lưới quốc gia, 100% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trở lên...

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2024, tỉnh Bạc Liêu đã phân bổ 160.176 triệu đồng, thực hiện triển khai 92 mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế (nuôi bò, nuôi chồn hương, nuôi gà vịt, trồng rau an toàn...) cho hơn 800 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đầu tư trang thiết bị y tế cho 8 trạm y tế cấp xã và Trung tâm y tế cấp huyện; đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 376 người lao động hộ nghèo, cận nghèo; giải quyết việc làm cho 570 lao động… Ngoài ra, tỉnh đã kịp thời hỗ trợ cho 670 trường hợp bị thiệt hại do thiên tai làm sập nhà và tốc mái.

Cùng với đó, trong các năm từ 2021 đến 2024, Bạc Liêu đã phân bổ 118.323 triệu đồng để thực hiện 6/10 Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, tỉnh đã giải ngân được 48.659 triệu đồng (đạt 41,1%).

Chương trình MTQG 1719 được triển khai thực hiện đã cơ bản giải quyết các nhu cầu bức thiết trong vùng đồng bào DTTS, đã xây dựng 468 căn nhà (50 triệu đồng/căn); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 823 hộ (10 triệu đồng/hộ); hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 559 hộ (3 triệu đồng/hộ); hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 559 hộ (3 triệu đồng/hộ); xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung.

 Đồng thời, triển khai đồng bộ các dự án, tiểu dự án về đào tạo, giải quyết việc làm; đầu tư nâng cấp trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, xóa mù chữ; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc Khmer cho CBCCVC nhóm đối tượng 3, 4; đầu tư, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; chăm sóc y tế…

Lãnh đạo Trung ương và địa phương tham quan những mô hình sinh kế thuộc Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
Lãnh đạo Trung ương và địa phương tham quan những mô hình sinh kế thuộc Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Nhiều kết quả nổi bật ở vùng DTTS

Với các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, kịp thời, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm. Cụ thể, năm 2021, tỉnh có 11.497 hộ nghèo, chiếm 5,09% (trong đó, hộ nghèo DTTS là 2.329 hộ, chiếm 11,12%); đến cuối năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn 3.886 hộ nghèo, chiếm 1,71% (hộ nghèo DTTS là 808 hộ, chiếm 3,86%).

Đến nay, tỉnh Bạc Liêu có 49/49 xã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%), trong đó, có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Phước Long và thành phố Bạc Liêu). Đặc biệt, địa phương hiện cũng đang sở hữu 131 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP (bao gồm: 98 sản phẩm 3 sao, 33 sản phẩn 4 sao).

Ông Trương Thành (Síl), Người có uy tín dân tộc Hoa, trú tại phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, chia sẻ: “Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều giải pháp nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS trong tỉnh. Các chính sách cho Người có uy tín được thực hiện đầy đủ. Chúng tôi cũng được bồi dưỡng kiến thức, thông tin để kịp thời tuyên truyền, vận động cho bà con; đồng thời, truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của bà con đến cơ quan Nhà nước để kịp thời giải quyết theo quy định”.

Trên cơ sở các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS ngày càng được quan tâm. Các phong tục tập quán, lễ nghi, những nét văn hóa của đồng bào được duy trì tổ chức hàng năm, như: Tết Chôl Chnăm Thmây, Óoc om Bóc, Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer; Lễ cầu an, Tết Nguyên Đán, Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ của đồng bào dân tộc Hoa… 

Ông Tô Thành Phương, Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết: trong các ngày Lễ, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc DTTS, các cấp, các ngành trong tỉnh đều quan tâm, thành lập đoàn thăm hỏi, động viên và tặng quà.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm, chăm lo cho đời sống đồng bào DTTS (Trong ảnh: Ông Nguyễn Bình Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính cùng Đoàn công tác trao quà đến Hòa thượng Hữu Hinh, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang dịp Lễ Sen Dolta năm 2024)
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm, chăm lo cho đời sống đồng bào DTTS (Trong ảnh: Ông Nguyễn Bình Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính cùng Đoàn công tác trao quà đến Hòa thượng Hữu Hinh, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, dịp Lễ Sen Dolta năm 2024)

Hiện tại, tỉnh Bạc Liêu có 24 di tích là cơ sở tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer, Hoa được công nhận (gồm: 7 di tích quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh), tăng 2 di tích cấp tỉnh so với năm 2019. Công tác bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia cũng được các cấp trong tỉnh thực hiện đúng quy định, đảm bảo giữ đúng hiện trạng khi được xếp hạng. 

Tỉnh Bạc Liêu cũng ban hành Kế hoạch thực hiện kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày tuyên truyền các di sản văn hóa điển hình của các dân tộc thiểu số như “Chữ viết lá cọ” của đồng bào dân tộc Khmer… 

Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu Tô Thành Phương, đánh giá: Với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vùng DTTS của tỉnh tiếp tục chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS tỉnh Bạc Liêu trong những năm tiếp theo.

Bạc Liêu là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê của Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Bạc Liêu chiếm tỷ lệ 9,2% dân số toàn tỉnh; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer là 76.146 người, chiếm 7,58%; dân tộc Hoa có 23.020 người, chiếm 1,6%; và các dân tộc khác có 300 người, chiếm 0,02%. Đồng bào DTTS của tỉnh đa số sống bằng nghề nông và sinh sống đan xen.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.