Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bắc Ninh: Đẩy mạnh bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản gắn với phát triển du lịch

Xuân Hải - Vân Khánh - 08:10, 16/12/2022

Những năm qua, các di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người vùng đất Quan họ. Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Bắc Ninh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn với phát huy di sản văn hóa.

Các di tích, di sản là thế mạnh trong phát triển du lịch của tỉnh Bắc Ninh
Các di tích, di sản là thế mạnh trong phát triển du lịch của tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di tích, di sản với 1.589 di tích, trong đó 651 di tích được xếp hạng (4 di tích quốc gia đặc biệt; 204 di tích quốc gia; 443 di tích cấp tỉnh); 14 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Về di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh có 4 di sản được UNESCO ghi danh (Dân ca Quan họ Bắc Ninh; thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; nghệ thuật hát Ca trù; Nghi lễ và trò chơi kéo co làng Hữu Chấp); 8 di sản đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Tranh dân gian Đông Hồ, Lễ hội làng Diềm, Lễ hội làng Đồng Kỵ, Gốm Phù Lãng, Chạm khắc gỗ Phù Khê, Gò đồng Đại Bái, Trống quân Bùi Xá và Tre trúc Xuân Lai).

Trong những năm qua, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Ninh quan tâm, đầu tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Như tại Thuận Thành (Bắc Ninh) nơi có 81 di tích được Nhà nước công nhận, trong đó cấp quốc gia đặc biệt là 2, cấp quốc gia là 22, cấp tỉnh là 57 di tích; 5 bảo vật và nhóm bảo vật Quốc gia. Riêng trong năm 2022, toàn huyện có 11 di tích được UBND tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ kinh phí tu bổ, chống xuống cấp với tổng kinh phí là 7,2 tỷ đồng.

Theo đó, nhiều di tích lịch sử, văn hóa ở huyện Thuận Thành được đầu tư tu bổ, tôn tạo khang trang, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân, trở thành các điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Tiêu biểu như Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ; Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp... Công tác tổ chức lễ hội truyền thống được duy trì theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị.

Được biết, nhằm phát huy giá trị các di tích, tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh tuyên truyền tới các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh và du khách; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu các di tích. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và cộng đồng Nhân dân đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; từ đó giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước của mỗi người dân.

Bắc Ninh có nhiều điểm di tích thu hút khách du lịch
Bắc Ninh có nhiều điểm di tích thu hút khách du lịch

Ông Nguyễn Văn Đáp - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, giai đoạn 2016 - 2022, du lịch Bắc Ninh có tốc độ tăng trưởng trung bình 14,02%/năm, đón 1,1 - 1,6 triệu lượt khách/năm. Tổng thu từ du lịch năm 2019 đạt 1.100 tỷ đồng. Năm 2022, du lịch phục hồi tích cực sau khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại hoạt động từ tháng 3/2022. Tổng doanh thu du lịch năm 2022 ước đạt 830 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2021; tổng lượt khách đạt 1,2 triệu lượt, tăng 50% cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Nguyễn Văn Đáp, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch gắn với phát huy di sản văn hóa trên địa bàn, tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; đầu tư phát triển các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường hoạt động kết nối, hợp tác với các địa phương trong cả nước; đăng cai tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô quốc gia, quốc tế để thu hút du khách…