Đặc điểm cây thanh táo
Cây thanh táo có thân nhỏ, cao khoảng 1 – 1.5m. Thân và cành cây có màu tím sẫm hoặc xanh lục, nhẵn. Lá cây mọc đối, cuống ngắn, phiến lá hình mác, thuôn, dài khoảng 4 – 14cm, rộng 1 – 2cm, mép lá nguyên.
Hoa có màu trắng hoặc hơi hồng, có nhiều điểm tía, mọc thành bông ở đầu cành, các kẽ lá hoặc phía ngọn cành. Quả nang hình đinh, dài 12mm, bên trong có chứa trong 4 hạt. Hoa và ra quả vào mùa hạ.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây thanh táo
Chữa đau nhức xương khớp: Lấy 10 - 15g thanh táo khô hoặc 30 - 50g thanh táo tươi sắc rồi chắt lấy nước uống hết trong ngày.
Trị xương gãy: Sử dụng cây thanh táo tươi giã nát (hoặc dùng cây khô tán nhỏ), trộn một ít rượu, giấm, đắp vào vết thương.
Hoặc: Dùng 30g từng loại dược liệu: vỏ cây gạo, lá thanh táo, lượng cơm nếp vừa đủ và 1 con gà con, đem xay nhuyễn cùng ít rượu sau đó đắp bó phần xương bị gãy và dùng nẹp thân cây mía dò cố định lại (Lưu ý không đắp lên vết thương hở).
Điều trị tay chân tê dại mất cảm giác: Dùng 20g vỏ cây thanh táo, hoàng lực, dây chìu, độc lực cùng với 10g thiên niên kiện, cốt khí sắc thành nước uống.
Chữa sưng tấy vết thương kín: Sắc 10g thanh táo khô hoặc 50g thanh táo tươi với 850ml nước cho đến khi còn 200ml thì chắt nước, chia làm 2 lần uống/ngày.
Chữa bong gân, sai khớp: Đem sắc 50g lá diễn tươi, 20g lá thanh táo, 20g cốt toái bổ, 20g trạch lan, 20g xuyên tiêu sắc lấy nước uống khi còn ấm.
Hoặc: Lá thanh táo, lá ngải cứu, lá diễn dùng tươi, mỗi vị lấy lượng bằng nhau. Giã nhỏ, đắp 2 lần/ngày.
Chữa choáng váng, mờ mắt, ra máu sẫm ở phụ nữ sau sinh: Dùng 20 - 30g mỗi vị: cỏ mần trầu, mần tưới, thanh táo đem sắc lấy nước uống.
Chữa các bệnh hậu sản: Sử dụng cây thanh táo, cây mần tưới, cỏ mần trầu, mỗi vị phân lượng đều 30g, sắc cùng 500ml nước đến khi còn 200ml thì chia thành 2 lần dùng uống trong ngày.
Chữa mụn nhọt, lở loét: Lấy một lượng bằng nhau lá cây mỏ quạ và lá của cây thanh táo đem rửa sạch, giã nhuyễn rồi đắp trực tiếp lên vết thương, 1 lần/ngày.
Chữa ho, sốt, mồ hôi trộm: Sử dụng rễ cây thanh táo, địa cốt bì, miết giáp, sài bồ, mỗi vị đều 10g, tri mẫu, đương quy, mỗi vị 5g, thanh cao, ô mai, mỗi vị đều 4g, sắc với 600ml nước, đến khi còn 200 ml thì chia thành 3 lần, dùng uống trong ngày.
Chữa tinh hoàn đau nhức, một bên tinh hoàn sa xuống: Sử dụng rễ cây cây thanh táo, rễ bần trắng, rễ sưng, rễ vậy đỏ, mỗi vị 20 – 30 g, sắc thành thuốc dùng uống trong ngày.
Lưu ý
Tuy có rất nhiều công dụng chữa bệnh nhưng cây thanh táo lại có một hàm lượng nhỏ độc tính alkaloid nên trước khi dùng dược liệu này để chữa bệnh cần có sự tư vấn từ thầy thuốc có chuyên môn.
Người cao tuổi, thai phụ và trẻ nhỏ cần thận trọng khi dùng dược liệu này để tránh nguy cơ bị nhiễm độc.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.