Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bài toán sinh kế cho đồng bào dân tộc

PV - 09:40, 18/07/2019

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Các chính sách tập trung tháo gỡ những khó khăn tại địa phương, hỗ trợ người dân có công ăn việc làm, thoát nghèo bền vững. Nhưng bài toán sinh kế cho đồng bào dân tộc không phải lúc nào cũng có thể giải quyết ngay được, mà cần có thời gian để tìm ra lời giải tháo nút thắt tại các điểm nghẽn…

Một hộ dân người DTTS đã có tiền xây dựng nhà nhờ xuất khẩu lao động. Một hộ dân người DTTS đã có tiền xây dựng nhà nhờ xuất khẩu lao động.

Nhiều nút thắt cần gỡ

Đề án 1956 (Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020), được coi là một luồng sinh lực mới trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững. Mục tiêu cụ thể của Đề án là triển khai các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, với khoảng 18.000 người, 50 nghề đào tạo và đặt hàng dạy nghề cho khoảng 12.000 người thuộc diện hộ nghèo, người DTTS, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế.

Trong Đề án 1956, đối tượng là người DTTS (trong nhóm lao động làm nông nghiệp) sẽ được hưởng chính sách tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo các khóa học trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề được hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh DTTS nội trú.

Khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án là, trình độ học vấn của đồng bào DTTS còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Sau khi tham gia các khóa học, học viên là người DTTS không kiếm được việc làm ổn định do không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp đưa ra. Bên cạnh đó, nếu được nhận việc thì họ chưa chắc đã sống được bằng nghề đào tạo.

Tâm lý một bộ phận lao động người DTTS không muốn đi xa quê hương nên học xong lại cất bằng trở về quê hương làm ruộng. Nếu có được tham gia các khóa học hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đầu tư con giống, nhưng không được đầu tư vốn phát triển sản xuất họ lại quên hết kiến thức đã được học.

Tại huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên). Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thái cho biết, trong năm 2018 có gần 200 học viên đăng ký tham gia các lớp đào tạo nhưng hiệu quả kiến thức áp dụng thực thế chưa cao. Một số nghề cơ bản được người dân quan tâm đăng ký như chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò, phòng chống dịch bệnh… còn những nghề khác gần như không có ai đăng ký. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của Trung tâm dạy nghề của huyện lại thiếu khi mức thu so với mức chi lại âm.

Xây dựng hướng xuất khẩu lao động

Thực tế bài học hậu đào tạo nghề tại địa phương là vùng DTTS cho thấy, người dân chỉ đăng ký đi học nghề trọng tâm thuộc lĩnh vực nông nghiệp như, chăn nuôi và trồng trọt. Nếu đi học nghề khác thì công tác hỗ trợ tìm kiếm việc làm của địa phương chưa được chú trọng khiến người dân không mấy mặn mà. Chính vì vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch ngành nghề đào tạo sát thực tế, nhu cầu học nghề của từng bộ phận người dân.

Các khóa, lớp đào tạo nghề cần dài hạn hơn, chương trình được thiết kế phù hợp trình độ dân trí. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân thấy rõ lợi ích của việc học nghề. Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Hồng Minh cho biết: Để thu hút con em đồng bào DTTS tham gia học nghề, cần phải tạo điều kiện tốt về vật chất như xây dựng trường, lớp bán trú. Liên tục đổi mới kiến thức trong dạy nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...

Các chuyên gia cho rằng, việc xuất khẩu lao động đối tượng là người DTTS, là hướng đi mới trong xu hướng hiện tại. Ghi nhận từ một địa phương đã mạnh dạn đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đối tượng DTTS có nhu cầu xuất khẩu lao động là Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). Theo đó, huyện Mèo Vạc đã có ký kết “Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới” với huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam và huyện Nà Pô, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Huyện còn trích nguồn ngân sách để hỗ trợ thêm cho người lao động như, chi phí đi lại, khám sức khỏe và các khoản chi phi khác.

Để xuất khẩu lao động là hướng đi mới, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo dựng được một môi trường lành mạnh; từ đó giải quyết nhu cầu tìm việc làm của người dân, thúc đẩy quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững và đặc biệt có thể thu về ngoại tệ lớn cho đất nước.

THANH BÌNH

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.