Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Bám bản “gieo chữ” nơi biên giới Việt - Lào

Vũ Lợi - 11:42, 29/01/2021

Nơi tiếp giáp vành đai biên giới Việt - Lào, thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) có những thầy cô giáo ngày đêm lặng thầm bám bản, bám lớp, mang con chữ đến với những học trò nghèo khó. Câu chuyện “gieo chữ” của các thầy cô tuy lắm gian nan, nhưng chính từ trong khó khăn, vẻ đẹp tâm hồn, trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần cống hiến của họ càng được khẳng định và trân trọng.

Lớp học tại điểm trường Mầm non Pa Thơm (huyện Điện Biên)
Lớp học tại điểm trường Mầm non Pa Thơm (huyện Điện Biên)

Vượt đèo “gieo chữ”

Trải qua 25 năm công tác trong ngành Giáo dục thì có gần 20 năm cô giáo Lê Thị Loan (52 tuổi) nhận nhiệm vụ “cắm” luân phiên tại 5 điểm bản của Trường Mầm non Pa Thơm (huyện Điện Biên). Năm học (2020 - 2021) này, cô đang “cắm” tại điểm trường Huổi Moi - điểm xa nhất, khó khăn nhất và nghèo nhất so các điểm trường còn lại của xã.

Từ trung tâm xã Pa Thơm đến bản Huổi Moi chỉ đi được con đường độc đạo vắt vẻo trên lưng chừng núi với vô số vực sâu, dốc cao, mặt đường lổn nhổn đá và rất nhiều ổ gà, ổ voi. Ấy vậy mà  cô giáo Lê Thị Loan vẫn thường xuyên đi lại mỗi tuần để mang thực phẩm và cái chữ đến với học trò nơi đây.

Trong tâm trí nhiều cô giáo, Huổi Moi vẫn được gọi là bản “đa không” (không điện thắp sáng, không nước sạch, không sóng điện thoại, giao thông khó khăn). Bản có 100% đồng bào dân tộc Cống sinh sống trong những ngôi nhà dựng đơn sơ trên triền núi. Tại đây, điểm trường mầm non bản Huổi Moi có 2 phòng ngủ, 1 phòng học, 1 gian bếp được quây bằng tôn chống nóng. Điểm trường có 8 học sinh nhưng chỉ mình cô Loan phụ trách nên công việc của cô càng trở nên vất vả hơn, khi vừa trực tiếp đứng lớp, vừa chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các bé.

Sự tận tâm của thầy cô đã huy động được 100% con em dân tộc trên địa bàn ra lớp.
Cô giáo Lê Thị Loan chăm sóc học sinh của mình ở điểm trường mầm non Huổi Moi

Sau bữa ăn trưa vội vàng bằng mì tôm gói, cô Loan lại cặm cụi chất bếp lo cho đám trẻ nhỏ bữa ăn nhẹ vào cuối giờ học buổi chiều. Ngày đầu tuần, thực phẩm mới được mang vào, nên cả lớp sẽ có một bữa chè đỗ đen ngon. Coi học trò như con, cháu của mình, cô lo lắng cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy dỗ từng tí về nếp ăn ở, sinh hoạt hàng ngày.

Ở Huổi Moi, đồng bào Cống thường đi làm nương xa, tối mới về bản. Quấn quýt với trò nhỏ cả ngày nên buổi tối khi các con về nhà cũng là thời điểm cô Loan cảm thấy buồn nhất, nhưng cô luôn dặn lòng cố giấu đi niềm riêng để gắn bó với học trò.

Cũng bởi nghề đã “chọn” người

Bản Huổi Moi có 31 hộ, chia ra làm 2 cụm dân cư độc lập là Huổi Moi và Buôm Em với khoảng 130 nhân khẩu, hầu hết thuộc diện hộ nghèo. Đây là vùng đất khắc nghiệt nên trồng trọt, chăn nuôi đều gặp nhiều khó khăn. Người dân trong bản cũng nhận thức được rằng, chỉ có kiến thức, cái chữ mới đem lại tương lai tươi sáng cho cộng đồng người Cống nơi đây, bởi vậy, đồng bào rất yêu quý những giáo viên cắm bản.

Cô Vũ Thị Nhớ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Pa Thơm, xã Pa Thơm cho biết: Trường Mầm non Pa Thơm có 1 điểm trung tâm và 5 điểm trường lẻ với tổng cộng 103 học sinh là con em đồng bào dân tộc ít người. Ngoài Huổi Moi còn nhiều điểm trường khác gặp những khó khăn như: Buôm En, Púng Bon, Pa Thơm… Tuy nhiên, mỗi cán bộ, giáo viên trong nhà trường đều nêu cao quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ gieo chữ trên miền đất này. Vì vậy, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 100%. Học sinh ở đây tiến bộ từng ngày trong việc nhận diện chữ viết, số. Kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp của các em dần được cải thiện, các em không còn dè dặt, nhút nhát như xưa. Nhiều em đã chủ động chia sẻ ước mơ, hoài bão về tương lai trở thành những cán bộ mang kiến thức trở về xây dựng và bảo vệ quê hương.

Giáo viên cắm bản tăng gia trồng rau xanh bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh.
Giáo viên cắm bản tăng gia trồng rau xanh bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh.

“Đây là nghề chúng tôi chọn, đã chọn rồi phải vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, để từng chút, từng chút một gom nhặt kiến thức cho các con. Trước đây, học sinh điểm bản Huổi Moi không giao tiếp với cô giáo vì các con gần như không được tiếp xúc với người lạ. Thế nhưng từ khi có thầy cô về cắm bản, các em tiến bộ nhiều, mạnh dạn, tự tin hơn”, cô Vũ Thị Nhớ tâm sự.