Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ban Dân tộc Sơn La: Triển khai thực hiện chính sách dân tộc hiệu quả trong điều kiện phòng chống dịch

Minh Thu - 16:25, 17/06/2021

Những tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La luôn đặt ra quyết tâm cùng những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để vừa phòng chống dịch, vừa triển khai thực hiện chính sách dân tộc hiệu quả.


Ông Đinh Trung Dũng (bìa trái), Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc tại bản Pa Cốp, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.
Ông Đinh Trung Dũng (bìa trái), Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc tại bản Pa Cốp, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.

Chúng tôi đến bản Nà Một, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, đúng thời điểm bà con đang nạo vét kênh mương phục vụ sản xuất. Trên kênh mương thủy lợi được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135, cả trăm người tay xẻng, tay cuốc cùng nhau dọn dẹp, khơi thông kênh dẫn nước tưới cho cánh đồng Mường Và.

Anh Tòng Văn Kiên, Trưởng bản Nà Một, cho biết: “Nhà nước đã đầu tư công trình thủy lợi, chúng tôi nhận thấy phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ thật tốt để phát huy hiệu quả công trình, đảm bảo nước tưới cho sản xuất”.

Kênh mương thủy lợi ở Nà Một, là một trong 12 công trình được duy tu, bảo dưỡng theo Chương trình 135 đã được triển khai trên địa bàn huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong 5 năm (2016-2020), với 54 tỉ đồng từ hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng CT 135,  có 46 công trình hạ tầng đã hoàn thành. Cùng đó, đã có trên 1,8 tỉ đồng được chi cho việc duy tu, bảo dưỡng và 38 công trình khác trên địa bàn huyện.

“Các công trình đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong đời sống, phát triển kinh tế, nên ai cũng có ý thức hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn tài sản chung, cùng nhau phát triển sản xuất”,  Trưởng bản Tòng Văn Kiên cho biết thêm.

Trong thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan công tác dân tộc trong việc đồng hành với đồng bào DTTS, đảm bảo việc giải ngân các nguồn vốn từ các chính sách thuận lợi, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng tiến độ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp…

Bên cạnh đó, mới đây, tháng 4/2021, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị đối thoại trao đồi việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc với 12 phòng Dân tộc huyện, thành phố nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách dân tộc.

“Tại Hội nghị đối thoại này, chúng tôi lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của các huyện và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tại cơ sở. Từ đó tham mưu thực hiện tốt công tác dân tộc và các chương trình, chính sách dân tộc trong năm 2021 mà trọng tâm là Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. ”, bà Nguyễn Bích Lan, Chánh Văn phòng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết.

Theo bà Lan, thời gian qua, thanh tra Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã thực hiện thanh tra thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc tại hai huyện: Bắc Yên, Vân Hồ. Theo đánh giá, công tác thanh tra đã được triển khai nghiêm túc, đảm bảo theo đúng kế hoạch đề ra từ đầu năm của Ban.

Dồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia

Là cơ quan Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Sơn La, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến công tác, khảo sát, nắm tình hình thực tế, nguyện vọng của đồng bào DTTS, để xây dựng các dự án thành phần, phù hợp đặc điểm tình hình và những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 

Gần đây nhất, cuối tháng 4/2021, đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh đã đến bản Pa Cốp, xã Vân Hồ và bản A Lang, xã Tân Xuân (huyện Vân Hồ) để nắm tình hình thực tế nhu cầu đầu tư, hỗ trợ của bà con.

Theo ông Đinh Trung Dũng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La, các chuyến khảo sát, nắm tình hình, là cơ sở để Ban Dân tộc tỉnh đề xuất việc triển khai các dự án phù hợp, ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các xã, bản ĐBKK, các DTTS còn nhiều khó khăn. Đồng thời, căn cứ nhu cầu thực tế và đề xuất của người dân, dựa trên nguồn lực đầu tư để triển khai, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

Người dân xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp thu hoạch quýt trồng theo hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135
Người dân xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp thu hoạch quýt trồng theo hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135

Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh, trình Tỉnh ủy Sơn La ban hành Nghị quyết về công tác dân tộc. Trong đó, dự kiến xác định các mục tiêu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng thêm khoảng 1,5 lần so với năm 2020.

 Đến hết năm 2025, có ít nhất 1 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã ĐBKK; 44% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông; 85% bản có đường giao thông từ xã đến bản được cứng hóa...

Đồng thời, Ban Dân tộc phối hợp với UBND các huyện tổ chức rà soát, lập nhu cầu danh mục chuẩn bị đầu tư đối với một số dự án, thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; rà soát, tổng hợp nội dung đầu tư, đối tượng, địa bàn thụ hưởng 10 dự án thành phần; tham mưu cho UBND tỉnh chuẩn bị các nội dung để xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021 của Chương trình Mục tiêu quốc gia.

“Hiện, tỉnh Sơn La đang nỗ lực, với quyết tâm chính trị cao nhất để bắt tay triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm đem lại những đổi thay tích cực trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh”, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La, ông Đinh Trung Dũng khẳng định.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.