Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Bản đồng bào Thái bất an dưới ngọn núi sạt trượt

Nguyễn Thanh - 15:35, 21/09/2021

Đó là thực tế đang diễn ra tại bản Xốp Nặm, xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) đe dọa cuộc sống mỗi ngày của hàng chục hộ dân đồng bào dân tộc Thái. Đã từng có đá rơi, tường đổ; dân bản đã từng phải tháo chạy giữa đêm mưa bão vì núi lở… nhưng rồi câu chuyện thiếu kinh phí đã “níu” bước chân di cư của họ từ rất nhiều năm qua. Nhìn rộng ra, nhiều địa phương ở vùng cao Nghệ An đang có chung thực trạng này.

Hiện trường một tảng đá lăn từ trên núi Khe Tương xuống điểm Trường Mầm non bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An)
Hiện trường một tảng đá lăn từ trên núi Khe Tương xuống điểm Trường Mầm non bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An)

Núi Khe Tương ở bản Xốp Nặm cao chừng 500m, có độ dốc lớn, địa chất không ổn định nên thường có đá rơi, đất lở sạt xuống khu vực dân cư. Nhiều năm qua, cứ mỗi khi trời mưa, bà con dân bản ở xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) lại sống trong cảnh thấp thỏm, bất an.

Theo người dân cho biết, tại ngọn núi này đã từng xảy ra những lần sạt lở đất, đá khiến nhà cửa, điểm trường học bị hư hại, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của các hộ dân nơi đây. Mới đây nhất, vào ngày 8/9/2021, sau một trận mưa lớn kéo dài khiến đất, đá từ trên núi Khe Tương sạt lở xuống và đổ thẳng vào điểm Trường Mầm non của bản Xốp Nặm, gây hư hỏng bờ bao và một phần tường của lớp học. Rất may thời điểm đất đá sạt lở không có ai ở đó.

Tận mắt thấy hiện trường đổ nát do những tảng đá lớn lăn từ trên núi xuống, phá tan những bờ bao của điểm trường mầm non nơi đây, chúng tôi không khỏi rùng mình. Giả sử, thời điểm đá rơi, đất lở đang trong giờ học thì sẽ ra sao?

Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tam Hợp huyện Nguyễn Thị Hà cho biết: Điểm trường Xốp Nặm là nơi khó khăn nhất so với 4 điểm trường còn lại. Tại Xốp Nặm hiện có 26 cháu của 2 lớp đang theo học. Nhà trường luôn cảm thấy bất an khi có mưa lũ.

Không chỉ điểm trường mầm non, mà nhiều hộ dân ở bản Xốp Nặm đang phải sinh sống sát núi Khe Tương. Qua quan sát, có rất nhiều nhà dân xây dựng cách chân núi dựng đứng chỉ vài mét. Nếu mưa lớn và gây ra sạt lở núi thì hậu quả sẽ đi đến đâu?

Ông Lương Văn Viện, Trưởng bản Xốp Nặm cho hay: "Toàn bản có 19 hộ, với hơn 80 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Thái. Mỗi khi trời mưa gió, nguy cơ sạt lở núi rất cao, nên người dân không dám ngủ trong nhà. Đã nhiều lần, dân bản phải ôm đồ, bế con chạy lánh nạn cả đêm. Bà con rất mong các cấp chính quyền quan tâm, sớm được di dời đến nơi khác để đảm bảo an toàn".

Theo tìm hiểu, để phòng tránh nguy cơ sạt lở khi trời mưa liên tục, đầu năm học 2021 - 2022, UBND xã Tam Hợp đã chủ động cùng với nhà trường, di chuyển các cháu đang học ở điểm Trường mầm non Xốp Nặm lên bản Văng Môn (cách 3,5km) để học tập, bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên. Riêng các hộ gia đình, đã được chính quyền khuyến cáo, theo dõi diễn biến thời tiết mưa lũ để di dời sớm nhằm bảo đảm an toàn.

Người dân các bản, làng nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất của xã Mường Típ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) phải sống tạm trong nhà bạt do ảnh hưởng mưa lũ cuối năm 2020.
Người dân các bản, làng nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất của xã Mường Típ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) phải sống tạm trong nhà bạt do ảnh hưởng mưa lũ cuối năm 2020.

Ông Lê Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp cho biết: "Chúng tôi cũng đã đề nghị lên cấp trên cần sớm quan tâm, di dời 19 hộ dân tại bản Xốp Nặm ra khỏi vùng nguy hiểm. Địa phương không thể kham nổi, vì kinh phí quá khó khăn. Chuyển đi nơi ở khác để bảo đảm an toàn là nguyện vọng của hơn 80 người dân bản Xốp Nặm, cũng như mong muốn của chính quyền địa phương khi mùa mưa bão đã đến".

Chuyện sống bất an nơi vùng sạt lở, đã không còn là câu chuyện của riêng người dân bản Xốp Nặm, không chỉ riêng của huyện Tương Dương, mà đã là vấn đề đáng lo của hàng trăm hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở thuộc các huyện miền núi và vùng DTTS ở Nghệ An. Qua tìm hiểu, tại các huyện vùng cao của Nghệ An như Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông… đang tồn tại rất nhiều điểm nguy cơ sạt lở, khi mùa mưa bão đến.

Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An) nêu thực tế: Khó khăn nhất vẫn là kinh phí quá lớn phục vụ cho việc di dời. Thêm nữa, khu vực vùng núi Kỳ Sơn nói riêng, các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu nói chung thường có độ dốc lớn, việc tìm được một mặt bằng thích hợp để di dân tái định cư cũng là vấn đề không hề đơn giản. Theo ông Hòe, vùng Mường Típ, Na Ngoi là nơi có nguy cơ sạt lở cao, đe dọa an toàn của hàng nghìn người dân.

Nhiều dự án di dân vùng sạt trượt dang dở nhiều năm vì thiếu kinh phí, vì không có mặt bằng; thậm chí đã thi công nhưng khu vực được chọn làm điểm tái định cư vẫn tiếp tục sạt lở khiến chính quyền địa phương “bế tắc”. Và cũng có lẽ vì thế, mà ở Nghệ An, cứ đến mùa mưa bão, câu chuyện di dân khỏi vùng sạt trượt lại tiếp tục như một điệp khúc chưa có hồi kết.

Tin cùng chuyên mục