Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bàn giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tùng Nguyên - 10:26, 13/04/2024

Tỷ lệ lao động (LĐ) chưa qua đào tạo còn cao, là rào cản lớn trong việc cải thiện việc làm, thu nhập ở khu vực nông thôn, miền núi. Trong bối cảnh thị trường LĐ ngày càng yêu cầu cao về tay nghề, bên cạnh mở rộng quy mô để tăng tỷ lệ LĐ qua đào tạo thì cũng cần tăng đào tạo kỷ năng mềm, trọng tâm là kỹ năng khởi sự kinh doanh.

Bàn giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Ngoài việc đào tạo kỹ thuật chuyên môn thì cần tăng đào tạo kỷ năng mềm, trọng tâm là kỹ năng khởi sự kinh doanh trong thời đại công nghệ 4.0. (Ảnh minh họa)

Mới có 27,8% LĐ qua đào tạo

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lực lượng lao động (LĐ) từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2024 là 52,4 triệu người. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ quý I là 27,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

“Như vậy, hiện cả nước vẫn còn 37,8 triệu LĐ chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người LĐ”, Tổng cục Thống kê đánh giá.

LĐ chưa qua đào tạo chủ yếu làm công việc tự sản tự tiêu, trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Trong quý I/2024, số LĐ làm công việc tự sản tự tiêu là 3,9 triệu người, tăng 492,4 nghìn người so với quý IV/2023. Số LĐ làm công việc tự sản tự tiêu tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, với tỷ lệ 86,6% trong tổng số 37,8 triệu người chưa qua đào tạo nghề.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 8 triệu LĐ người DTTS, nhưng chỉ mới có khoảng 14% LĐ được đào tạo nghề; tỷ lệ này còn rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

“Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái và thiếu tính ổn định, cơ hội để nhóm LĐ này tìm kiếm được công việc tốt là rất khó khăn”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Không chỉ đối diện tương lai khó có việc làm ổn định khi mà ngành Nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất, LĐ chưa qua đào tạo đang và sẽ là lực lượng LĐ có thu nhập thấp nhất. Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2024, thu nhập bình quân của LĐ khu vực nông thôn chỉ đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng (khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng/người/tháng).

Bàn giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn 1
Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo vùng kinh tế – xã hội, quý I, giai đoạn 2022-2024. (Đơn vị tính: Triệu đồng – Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Ở những vùng kinh tế - xã hội có nhiều LĐ chưa qua đào tạo, có đông đồng bào DTTS, thì thu nhập bình quân của LĐ thấp hơn rất nhiều so với các vùng khác. Trong khi ở vùng Đồng bằng sông Hồng, thu nhập bình quân của LĐ trong quý I/2024 đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng; khu vực Đông Nam bộ đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng thì vùng Trung du và miền núi phía Bắc chỉ đạt 5,7 triệu đồng/người/tháng; Tây Nguyên đạt 5,6 triệu đồng/người/tháng; Đồng băng sông Cửu Long đạt 6,9 triệu đồng/người/tháng...

Đổi mới đào tạo nghề

Một trong những chỉ tiêu được đưa ra trong Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng là nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề đạt 70% vào năm 2025. Tuy nhiên, chỉ tiêu này dự báo sẽ khó đạt khi mà tỷ lệ LĐ qua đào tạo trong những năm gần đây rất khiêm tốn; trong đó năm 2021 là 26,1% và 2022 đạt 26,2%, kế hoạch năm 2023 sẽ đạt mức 27,0% và quý I/2024 là 27,8%. Như vậy mỗi năm tỷ lệ này chỉ tăng 1 - 2%, khả năng đến năm 2025 vẫn thấp xa so với mục tiêu 70%.

Để tăng tỷ lệ LĐ qua đào tạo, theo TS. Phan Chính Thức, chuyên gia đào tạo nghề (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cần phát triển hệ thống đào tạo nghề theo hướng mở cả về thời gian, địa điểm, mở phương pháp; mở nguồn lực... Đồng thời “mở” ở tất cả trình độ, không chỉ đào tạo ở cấp sơ cấp, trung cấp mà cần phải nâng lên cả cấp cao đẳng.

Với LĐ người DTTS, ông Thức cho rằng, cần tăng nguồn từ ngân sách nhà nước, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; ưu tiên các nguồn vốn từ các dự án ODA của nước ngoài. Đặc biệt, chính sách đào tạo gắn với việc làm tại chỗ, với khởi nghiệp, tạo sinh kế và xóa đói, giảm nghèo; lựa chọn phương thức đào tạo linh hoạt và các mô hình đào tạo phù hợp với đặc thù của LĐ người DTTS.

Bàn giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2
Lao động làm công việc tự sản tự tiêu các quý, giai đoạn 2020 – 2024 (Đơn vị tính: Triệu người – Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tại một hội thảo khoa học về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Nguyễn Xuân Định - Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng, ngoài việc đào tạo kỹ thuật chuyên môn thì cần tăng đào tạo kỹ năm mềm, trọng tâm là kỹ năng khởi sự kinh doanh.

“Ngoài việc đào tạo kỹ năng, cần phải đào tạo tổ chức quản lý kinh doanh cho LĐ. Bởi vì nếu không có kỹ năng xúc tiến thương mại, không biết bán hàng thì nông dân làm ra, sản phẩm dư thừa, ế, không biết bán cho ai", ông Định khuyến nghị.

Những góp ý của các chuyên gia đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cụ thể trong Dự thảo Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đến năm 2030. Dự thảo đề án nhấn mạnh mục tiêu của việc đổi mới là nhằm đa dạng hóa các hình thức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông; đồng thời gắn đào tạo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước xây dựng giai cấp nông dân tiên tiến, hiện đại.

Tuy nhiên, đề án này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ. Hiện công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đang được triển khai trong các hoạt động phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho LĐ nông thôn trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, đề án khác có liên quan.

Dự thảo Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đến năm 2030 đặt mục tiêu: Giai đoạn 2021 - 2025, trung bình mỗi năm có khoảng từ 1 - 1,2 triệu LĐ nông thôn được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác (trong đó, đào tạo phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 30%); giai đoạn 2026-2030 tăng quy mô đào tạo, trung bình một năm đào tạo cho khoảng 1,2 - 1,5 triệu lượt LĐ nông thôn (trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 75%, đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 25%).

Tin cùng chuyên mục
Vùng đồng bào DTTS và miền núi: Thành quả giảm nghèo đa chiều từ chính sách toàn diện

Vùng đồng bào DTTS và miền núi: Thành quả giảm nghèo đa chiều từ chính sách toàn diện

Từ nhiều năm qua, công tác giảm nghèo của Việt Nam được các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh gia cao; trong đó, kết quả giảm nghèo đa chiều đặc biệt ấn tượng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thành quả giảm nghèo ở địa bàn này xuất phát từ hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.