Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Bàn giải pháp phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp

Sỹ Hào - 16:53, 27/02/2024

Sau 3 năm tích cực thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành Lâm nghiệp đã đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi. Đây là đánh giá của các đại biểu tại hội thảo vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội.

Bàn giải pháp phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp
Hội thảo "Giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới" được tổ chức sáng 27/2/2024.

Ngày 27/2/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Chủ rừng Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới". 

Các báo cáo tại Hội thảo cho thấy, sau 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Lâm nghiệp đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các mặt: Kinh tế, an sinh xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các giải pháp trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và tổ chức, phát triển sản xuất lâm nghiệp đã được triển khai toàn diện, đồng bộ.

Về kinh tế, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng ngày càng nâng cao giá trị gia tăng. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định 4,6%/năm. Hằng năm, cả nước trồng được trên 260 nghìn ha rừng; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD, tỷ lệ xuất siêu cao; nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, năm 2023 đã thu được 4.130 tỷ đồng, trong đó có 997 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ các - bon rừng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, thực hiện chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu ha rừng, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành Lâm nghiệp.

Về an sinh xã hội, các hoạt động lâm nghiệp đã tạo ra việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp. Chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư với mức bình quân khoảng 6,2 triệu đồng/ha, tạo nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi.

Bàn giải pháp phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp 1
Trồng rừng tạo nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi. (Ảnh minh họa)

Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng tiếp tục duy trì đạt 42,02%; công tác bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh môi trường; đóng góp quan trọng thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, thực hiện các cam kết toàn cầu về ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và các mục tiêu khác về phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo đánh giá, quá trình thực hiện Chiến lược Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. Trong đó, việc quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng vẫn còn chồng chéo, thiếu đồng bộ; công tác giao rừng, thuê rừng còn chậm triển khai; việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai các quy định pháp luật, quy hoạch lâm nghiệp, các cơ chế, chính sách còn chậm, chưa đáp ứng được thực tiễn.

Các báo cáo tại Hội thảo cũng cho thấy, công tác đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, sắp xếp các công ty lâm nghiệp còn chậm; mức hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng cũng như các chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng còn quá thấp, chưa thật sự tạo động lực cho bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư, bổ sung ngân sách cho bảo vệ và phát triển rừng...

Trên cơ sở nhận diện và phân tích nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc, Hội thảo đã ghi nhận những góp ý tâm huyết của các nhà quản lý, nhà khoa học. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổng hợp, đề xuất với cấp có thẩm quyền có những điều chỉnh phù hợp để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.

Tham dự Hội thảo có khoảng 130 đại biểu đến từ: Văn phòng Quốc hội. Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện các hiệp hội, hội, doanh nghiệp lâm nghiệp, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; một số vườn quốc gia, ban quản lý rừng; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường một số tỉnh cùng với một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.

Tin cùng chuyên mục
Khai mạc Festival Ninh Bình chủ đề “Dòng chảy di sản”

Khai mạc Festival Ninh Bình chủ đề “Dòng chảy di sản”

Tối 24/11, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế (thành phố Ninh Bình) đã diễn ra Lễ khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề "Dòng chảy di sản". Đây là sự kiện văn hóa - du lịch có ý nghĩa rất quan trọng, tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng của dân tộc.