Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Khôi phục và phát triển cây đặc sản giúp bà con vùng cao thoát nghèo

Minh Thu - 07:56, 23/12/2023

Triển khai Dự án 3, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa xác định chọn cây quýt hôi là cây thế mạnh của địa phương để tuyên truyền, vận động bà con đầu tư phát triển, kết hợp làm du lịch cộng đồng.

Người dân thu hoạch quả quýt hôi.
Người dân thu hoạch quả quýt hôi.

Quýt hôi (hay còn gọi là quýt hoi) là loài cây bản địa, mọc tự nhiên trên sườn núi cao thuộc núi rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và các thôn, bản ở trung tâm huyện miền núi Bá Thước. Quả quýt hôi nhỏ và có hương thơm đặc biệt, ăn vào thấy đậm lưỡi, mát họng, thông mũi. Nhận biết đây là loại dược liệu quý nên người dân thường dùng vỏ quýt làm trà uống chữa bệnh ho hen, lá quýt được dùng chế biến các món ăn của dân tộc Thái.

Trước đây, cây quýt hôi chủ yếu tự mọc, tự phát triển, không có bàn tay chăm sóc của con người; chất lượng giống thấp, thị trường tiêu thụ cũng khó khăn, người dân chỉ mang quả ra chợ bán hay chế biến sử dụng cá nhân, gia đình. Vì thế, giống cây này dần bị thu hẹp diện tích.

Năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án “Phục tráng và xây dựng giống quýt hoi Bá Thước”. Huyện Bá Thước đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện Đề án với quy mô 4 ha 3.000 cây quýt tại thôn 3, xã Ban Công và thôn Éo Kén, xã Thành Sơn. Bà con được hướng dẫn kỹ thuật nhân giống quýt hôi sạch bệnh, kỹ thuật trồng mới, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Sau 3 năm, các thế hệ F1, F2 cây quýt hôi sinh trưởng, phát triển tốt và cho kỳ thu hoạch lứa đầu tiên đạt sản lượng 1 tấn/ha, thu về 30 triệu đồng/ha.

Nhận thấy cây quýt hôi có giá trị kinh tế cao, những năm gần đây, huyện Bá Thước xác định phát triển cây quýt hôi bản địa trở thành cây hàng hóa. Huyện Bá Thước đã vận động người dân trồng cây quýt hôi, đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ bà con chăm sóc, tỉa cành, bón phân đúng quy trình và thời kỳ. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 800 hộ trồng quýt hôi trên diện tích 80 ha, tập trung tại các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao, Cổ Lũng, Lũng Niêm… Trung bình, 1ha quýt cho thu hoạch bình quân 6 tấn/năm, thu nhập 90 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có một số vườn quýt sản lượng trên 10 tấn/năm, cho thu nhập 150-180 triệu đồng.

Gia đình ông Ngân Văn Hiên tại xã Thành Sơn trồng cây quýt hôi từ năm 1997, diện tích hiện nay là 3 ha. Được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, cũng như chăm sóc, bón phân đầy đủ, tới nay vườn quýt của ông đang cho thu nhập 150 triệu đồng/năm, sản phẩm quýt luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được người tiêu dùng ưa chuộng. Để nâng cao thu nhập, gia đình ông đã phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm vườn quýt, nhờ đó gia đình có thêm thu nhập và thoát nghèo.

Một số sản phẩm từ quả quýt hôi.
Một số sản phẩm từ quả quýt hôi.

Ông Hà Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, huyện Bá Thước cho biết: Định hướng phát triển quýt hôi, xã đã kết hợp với Viện Nghiên cứu để cung cấp giống cho bà con. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, chính quyền địa phương đã kết hợp cùng hợp tác xã, các doanh nghiệp để tìm thị trường tiêu thụ quýt hôi. Thời gian gần đây, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm, vì vậy, nhiều hộ gia đình ở vùng đệm Khu bảo tồn đã trồng cây quýt hôi gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Còn tại xã Ban Công, hiện có 53 hộ dân tham gia trồng cây quýt hôi, với tổng diện tích 11ha. Để phát triển loại cây này, chính quyền xã đã vận động các hộ dân trồng phục tráng quýt hôi theo kỹ thuật mới. Đến nay, nhiều diện tích đã phát triển tốt.

Gia đình ông Hà Văn Tâm ở thôn 3, xã Ban Công trồng khoảng 1,5ha quýt hôi. Nhờ được chuyển giao kỹ thuật nên việc trồng quýt của gia đình ông đạt năng suất cao. Nếu như trước đây, người dân trồng quýt chủ yếu phục vụ cho gia đình, thì giờ đã có đơn vị đến thu mua, đầu ra ổn định nên bà con yên tâm canh tác.

Hiện nay, cây quýt hôi Bá Thước đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Cùng với các chương trình hỗ trợ, phục tráng, nhân giống, huyện Bá Thước đang tích cực thực hiện bảo tồn nguồn gen, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào việc chọn tạo và sản xuất giống cây đạt chất lượng, đưa cây quýt hôi vào phát triển trong các hộ gia đình nhằm mở rộng cả quy mô diện tích và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân; tạo ra sản phẩm đặc trưng theo Chương trình OCOP để phục vụ phát triển du lịch gắn với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Giai đoạn 2022 - 2025, huyện Bá Thước đặt mục tiêu mở rộng diện tích lên 100 ha quýt hôi.
Giai đoạn 2022 - 2025, huyện Bá Thước đặt mục tiêu mở rộng diện tích lên 100 ha quýt hôi.

Giai đoạn 2022 - 2025, huyện Bá Thước đặt mục tiêu mở rộng diện tích lên 100 ha nhằm bảo tồn nguồn gen, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào việc chọn tạo và sản xuất giống cây đạt chất lượng và đưa cây quýt vào phát triển trong các hộ gia đình, góp phần giúp người dân nơi đây có thu nhập ổn định.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bá Thước cho biết: Các sản phẩm làm từ quả quýt hôi được khách du lịch rất ưa chuộng, thường mua về làm quà. Hiện nay, huyện có một sản phẩm trà quýt hôi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Thời gian tới, huyện Bá Thước sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng quýt; đồng thời, tìm thêm đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đưa các sản phẩm chế biến từ quýt hôi trở sản phẩm hàng hóa đặc trưng của vùng núi cao Bá Thước.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.