Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp ở xã đặc biệt khó khăn

Trọng Bảo - 16:07, 18/12/2023

Kim Sơn là một trong những xã vùng đặc biệt khó khăn (vùng III) của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, với chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống. Để nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp cho bà con nông dân; thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi. Từ đó, tạo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Theo ông Khoa thì nuôi tằm cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với trồng ngô, lúa
Theo ông Khoa thì nuôi tằm cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với trồng ngô, lúa

Xây dựng mô hình sản xuất liên kết chuỗi

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Khoa ở thôn Bảo Ân, xã Kim Sơn mới xuất bán 5 vòng tằm, với 103kg kén. Theo giá thu mua của thị trường hiện nay là 165 nghìn đồng/kg kén, trừ chi phí mua giống, gia đình ông Khoa còn thu về trên 16 triệu đồng. Hiện tại, gia đình ông đã vào giống mới, với 6 vòng tằm giống để tận dụng nguồn lá dâu cuối vụ; dự kiến cũng sẽ cho thu nhập gần 20 triệu đồng. 

Ông Khoa cho biết: Nuôi tằm tuy vất vả, nhưng bù lại vòng sinh trưởng ngắn (khoảng 14 ngày) nên nhanh thu hồi vốn. Hơn nữa, đầu tư ban đầu cho chăn nuôi con giống này không tốn nhiều chi phí, nên lợi nhuận trong chăn nuôi tằm cao hơn rất nhiều so với trồng ngô, lúa.

“Gia đình tôi tham gia dự án nuôi tằm theo chuỗi giá trị; chúng tôi hợp đồng với Hợp tác xã nấm Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Khi tham gia dự án thì chúng tôi được doanh nghiệp cam kết đầu ra cũng như cung ứng con giống bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, như gia đình tôi hiện có trên 2 héc ta dâu để phục vụ chăn nuôi tằm; hết vụ tằm này gia đình tôi sẽ đốn cây để cây phát triển cho vụ Xuân và trồng mới thêm 1,4 héc ta nữa; Nhà nước hỗ trợ phân bón nên gia đình cũng không phải bỏ chi phí gì”, ông Khoa cho biết thêm.

Toàn xã Kim Sơn hiện có trên 10 héc ta dâu với 22 hộ dân đăng ký tham gia vào dự án. Khi tham gia bà con nông dân được phía doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu kén tằm với giá thu mua được điều chỉnh theo giá thị trường nhưng không thấp hơn 80 nghìn đồng/kg kén. Bên cạnh đó, với những hộ trồng mới cây dâu, thì được Nhà nước hỗ trợ cây giống và phân bón; những hộ đã trồng rồi thì được hỗ trợ phân bón.

Nhà nước hỗ trợ phân bón, còn doanh nghiệp sẽ cung ứng giống cây dâu cho bà con
Nhà nước hỗ trợ phân bón, còn doanh nghiệp sẽ cung ứng giống cây dâu cho bà con

Ngoài dự án trồng dâu nuôi tằm, thì hiện nay tại xã Kim Sơn cũng đã và đang triển khai nhiều mô hình liên kết chuỗi hứa hẹn mang lại giá trị cao cho bà con nông dân trên một đơn vị canh tác. Điển hình như, dự án trồng chuối tiêu hồng, đây là giống chuối đặc sản, giá trị dinh dưỡng cao và nhu cầu thị trường rất lớn. Đến thời điểm này, đã có trên 20 héc ta chuối được trồng tại các thôn bản trên địa bàn xã Kim Sơn. 

Khi tham gia vào dự án, bà con nông dân được hỗ trợ 42 triệu đồng/ héc ta; cùng với đó, phía doanh nghiệp là Hợp tác xã Thương Nông (tỉnh Vĩnh Phúc) cam kết cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như bao tiêu sản phẩm. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn cho biết: Việc triển khai sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giữa “Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông” đã và đang được xã tập trung triển khai nhằm nâng cao giá trị trên cùng diện tích canh tác; góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. 

"Để người dân tin tưởng và đồng thuận tham gia dự án, cấp ủy, chính quyền xã đã chủ động liên hệ, mời gọi các doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp để về tham gia chuỗi liên kết. Khi tổ chức ký kết hợp đồng giữa người dân với doanh nghiệp, thì chính quyền đứng ra làm trung gian bảo đảm việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp với bà con nông dân trong quá trình triển khai nuôi, trồng cũng như bao tiêu sản phẩm", ông Dũng nhấn mạnh.

Bà con nông dân vùng cao đang từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Bà con nông dân vùng cao đang từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Hình thành tư duy kinh tế nông nghiệp 

Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Đây là “chìa khoá” thúc đẩy phát triển nông nghiệp được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Có thể nói, các chuỗi liên kết đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Sản phẩm được sản xuất từ các chuỗi được bảo đảm về chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. 

Từ một xã thuần nông còn nhiều khó khăn của huyện Bảo Yên, với việc triển khai sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi, đã và đang từng bước thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn Kim Sơn. Quan trọng hơn, đó là từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả về chất lượng, thu nhập đối với cây trồng vật nuôi cho người nông dân nơi đây.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.