Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Bảo đảm quyền con người từ việc thực thi hiệu quả Luật Hộ tịch

Khánh Thi - 17:44, 20/12/2022

Từ 01/01/2016 đến 30/6/2022, UBND cấp huyện trên toàn quốc đã giải quyết 74.044 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài là 27.353 trường hợp. Đây là một trong những kết quả tích cực đạt được sau 6 năm triển khai Luật Hộ tịch 2014, góp phần ổn định đời sống của người dân, nhất là ở địa bàn biên giới.

Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 18/11/2022
Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 18/11/2022

Nước ta có tuyến biên giới trên đất liền tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchi, với tổng chiều dài hơn 4.550 km. Với mối quan hệ thân quen lâu đời, đồng bào dân tộc các xã giáp biên giới của nước ta với các nước bạn, thường xuyên qua lại, thăm thân. Cũng từ đây, nhiều đôi trai gái ở 2 bên biên giới đã thành vợ chồng. Chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn; đồng thời tạo điều kiện cho nhiều trường hợp nhập quốc tịch theo nguyện vọng, để hòa nhập đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tại cộng đồng nơi cư trú.

Trường hợp của anh Sổng Lao Chư, ở bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yêu Châu (Sơn La) là một ví dụ. Anh sống cùng với chị Lợ (quốc tịch Lào) hơn 10 năm cũng không đăng ký kết hôn. Năm 2019, chị Lở vợ anh Chư được nhập quốc tịch Việt Nam, hai vợ chồng cũng đã đăng ký kết hôn. Đăng ký kết hôn và vợ được nhập tịch, giúp anh Chứ thuận lợi điều chỉnh nhiều thông tin chưa chính xác trong giấy khai sinh của các con.

Vợ chồng anh Chứ là một trong rất nhiều trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài trên địa bàn biên giới tỉnh Sơn La. Theo thống kê của Sở Tư pháp tỉnh Sơn La, từ năm 2019 đến nay,, đã có 294 công dân nước bạn Lào lấy chồng, lấy vợ là người Việt Nam, cư trú tại các địa bàn biên giới của tỉnh đã được nhập quốc tịch Việt Nam. Khi nhập quốc tịch Việt Nam, các hộ được thụ hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước và được điều chỉnh các thông tin hộ tịch một cách thuận tiện.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị

Theo Bộ Tư pháp, những công dân sau khi được cho nhập quốc tịch Việt Nam sẽ được đảm bảo các quyền lợi chính đáng. Cụ thể như việc những người trước đây chưa đăng kí khai sinh, đăng ký kết hôn thì hiện nay sẽ được đăng ký. Ngoài ra, trẻ em sẽ được đảm bảo đầy đủ quyền lợi trong việc khám chữa bệnh, đến trường đi học. Cùng với đó, các công dân này sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ để giúp đời sống ngày càng ổn định và tốt hơn.

Một trong những điểm mới quan trọng nhất của Luật Hộ tịch năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) là việc thay đổi về thẩm quyền đăng ký hộ tịch. Trong đó, Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước; đăng ký thay đổi, cải chính thông tin hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung thông tin hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước; đăng ký khai sinh cho trẻ em có cha, mẹ là công dân Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con cho công dân Việt Nam, khai tử cho người nước ngoài tại các khu vực biên giới của Việt Nam.

Được nhập tịch giúp nhiều cặp vợ chồng kết hôn xuyên biên giới có điều kiện hòa nhập đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tại cộng đồng nơi cư trú
Được nhập tịch giúp nhiều cặp vợ chồng kết hôn xuyên biên giới có điều kiện hòa nhập đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội tại cộng đồng nơi cư trú

Việc triển khai hiệu quả Luật Hộ tịch 2014, đã góp phần quan trọng bảo đảm mọi người dân sinh sống ở địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới được tiếp cận đầy đủ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cũng như các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả các cam kết của Việt Nam về bảo đảm quyền con người theo các công ước quốc tế.

Tại Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 18/11/2022, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, Luật Hộ tịch đánh dấu bước tiến quan trọng, góp phần bảo đảm thực hiện tốt các quy định của Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả đăng ký, quản lý hộ tịch trong cả nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. 

Qua 6 năm triển khai, UBND cấp huyện trên toàn quốc đã giải quyết 74.044 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài là 27.353 trường hợp. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tại Cơ quan đại diện được tăng cường, đảm bảo chất lượng.

Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara phát biểu tại Hội nghị.
Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara phát biểu tại Hội nghị.

Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tư pháp với vai trò cơ quan chủ trì trong triển khai Luật Hộ tịch, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara, cho biết, Bộ Tư pháp đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, giúp công tác hộ tịch đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: hoàn thiện các văn bản hướng dẫn trong công tác hộ tịch, hiện đại hóa việc đăng ký, thống kê hộ tịch, nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch của người dân,.. Nhờ đó, hiện nay công dân Việt Nam có thể đăng ký hộ tịch theo cách thuận tiện nhất, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của bà, tỉ lệ đăng ký khai tử và một số sự kiện hộ tịch khác cần được cải thiện. Trong đó, vấn đề mấu chốt là thúc đẩy công tác phối hợp, quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí cho các địa phương. Thời gian tới, trong quá trình tiếp tục thực thi Luật Hộ tịch và Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024, bà Naomi cam kết UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tin cùng chuyên mục
Trang bị kiến thức, nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy ở vùng DTTS

Trang bị kiến thức, nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy ở vùng DTTS

Những năm gần đây, nhằm tăng cường các hoạt động phòng chống ma túy trong vùng đồng bào DTTS, nhất là ngăn ngừa tình trạng ma túy len lỏi vào các bản làng, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp các sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, trang bị kiến thức cho cán bộ và Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.