Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân

Thúy Hồng - 10:14, 30/07/2021

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước.

Đại lễ Phật đản Vesak 2019 tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam
Đại lễ Phật đản Vesak 2019 tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm 27% dân số), hơn 58.000 chức sắc, 148.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự, 53 cơ sở đào tạo tôn giáo và 16 tôn giáo.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Không chỉ là quốc gia đa tôn giáo, Việt Nam còn là quốc gia đa dân tộc (với 54 dân tộc cùng sinh sống), mỗi dân tộc đều lưu giữ những hình thức tín ngưỡng khác nhau, với rất nhiều lễ hội truyền thống dân gian, tạo nên sự đa dạng trong đời sống tâm linh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt. Hằng năm, cả nước có hàng nghìn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức.

Hiện nay, ở Việt Nam có 53 cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo; trong đó, một số cơ sở được phép đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Chính quyền các địa phương còn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng thần học, giáo lý cho hơn 10.000 người mỗi năm.

Việc tu sửa các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự cũng được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi. Tính đến nay, hơn 20.000 (chiếm 80%) cơ sở thờ tự của các tôn giáo được sửa chữa, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới. Tại các địa phương, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo được thực hiện đúng pháp luật, như: Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh thần học; TP. Đà Nẵng giao 6.000m2 đất cho Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam sử dụng; TP. Hà Nội giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam khoảng 11ha đất để xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam...

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam luôn được bảo đảm. Ảnh minh họa (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát)
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam luôn được bảo đảm. Ảnh minh họa (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát)

Theo PGS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thời gian qua, chính sách tôn giáo được Ðảng và Nhà nước hết sức quan tâm, trong đó tập trung vào các nội dung: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân; bình đẳng giữa các tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật; đoàn kết tôn giáo gắn với đoàn kết dân tộc; phát huy giá trị đạo đức, nhân văn, tích cực của các tôn giáo. Ðặc biệt, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng đưa ra quan điểm mới, đó là ngoài phát huy các giá trị tích cực, nhân văn của tôn giáo, cần tập trung phát huy các nguồn lực của tôn giáo; chống lợi dụng tôn giáo để chia rẽ đoàn kết tôn giáo, cũng như phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ trung tâm và giải pháp chủ yếu, trong đó nhấn mạnh: Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước. Nêu rõ việc phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng; phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan.

Đảng, Nhà nước ta luôn trân trọng ghi nhận, biểu dương những kết quả, đóng góp của đồng bào có đạo trong sự nghiệp cách mạng nói chung, thời kỳ đổi mới nói riêng. Thông qua các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo (cả trong nước và quốc tế), các tôn giáo, tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong quảng bá hình ảnh Việt Nam văn hiến, thân thiện, hòa bình, nhân ái; đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về nhân quyền, tự do tôn giáo.

Tin cùng chuyên mục
Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Với việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó góp phần chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, giảm khoảng cách và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào DTTS.