Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Báo động rắn độc cắn mùa nước nổi

PV - 13:54, 12/10/2018

Thời gian gần đây, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình trạng người dân bị rắn độc cắn gia tăng đáng báo đông. Thời điểm này, ĐBSCL đang ở đỉnh điểm lũ, đòi hỏi người dân cần chủ động hơn trong việc phòng chống rắn cắn.

Đầu tháng 10, ông Nguyễn Văn Khế, nông dân ở xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, sau khi đi ra đồng về bất ngờ bị rắn độc cắn và ngã quỵ. Gia đình đã đưa ông đến Khoa cấp cứu rắn độc của Trung tâm Nuôi trồng-Nghiên cứu, chế biến dược liệu thuộc Quân khu 9 (còn gọi là trại rắn Đồng Tâm) tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang để điều trị. Tại đây, y bác sĩ đã tận tình cứu chữa, tiêm thuốc kháng huyết thanh, khử nọc độc của rắn nên đã cứu được mạng sống.

Các cán bộ và người dân tham gia phát quang bụi rậm để ngăn ngừa rắn cắn. Ảnh MH Các cán bộ và người dân tham gia phát quang bụi rậm để ngăn ngừa rắn cắn. Ảnh MH

Tại Khoa Cấp cứu rắn độc của Trại rắn Đồng Tâm hiện đang điều trị nội trú cho hơn 10 bệnh nhân bị rắn độc cắn từ nhiều địa phương vùng ĐBSCL; trong đó có 1 trường hợp là trẻ em bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong nhà.

Cán bộ ở Trại rắn Đồng Tâm cho biết, vào mùa nước nổi số ca bị rắn độc cắn tăng từ 20-30% so với thời điểm khác trong năm. Nguyên nhân làm cho nhiều người bị rắn cắn là nước ngập thu hẹp nơi sinh sống, trú ngụ của loài rắn. Do đó, rắn không ở trong hang mà bò vào nhà, trú ngụ tạm vào bụi rậm, đường đi… Khi con người vô ý chạm vào sẽ bị rắn cắn.

Trong 3 tháng qua, khi nước lũ tràn về, cơ sở này đã điều trị hơn 330 ca bị rắn độc cắn. Các địa phương có số ca đến đây điều trị nhiều là: Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp… Tính từ đầu năm tới nay, cơ sở đã chữa trị hơn 1.000 ca bị rắn độc cắn.

Trung tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi trồng-Nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9 cảnh báo, vào mùa lũ như hiện nay, người dân vùng ĐBSCL phải cảnh giác với các loài rắn độc như: rắn lục đuôi đỏ, và các loại rắn hổ. Hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế, bệnh viện ở vùng ĐBSCL đều có khả năng điều trị rắn độc cắn. Về phía Trung tâm đã chuẩn bị nhân lực, thuốc men sẵn sàng để phục vụ bệnh nhân 24/24.

Tuy nhiên, để việc phòng chống rắn cắn hiệu quả trước hết cần sự chủ động của chính của người dân. Mọi người dân vùng ĐBSCL cần đề cao cảnh giác với loài vật này; cần áp dụng các biện pháp xua đuổi, phòng ngừa, không để tiếp xúc với rắn độc. Các trường hợp không may bị rắn cắn phải đưa đến cơ sở y tế cấp cứu, chữa trị kịp thời.

THIÊN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.