Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Báo động tình trạng phụ nữ bị lừa qua mạng xã hội

PV - 15:55, 13/08/2019

Hiện nay, không chỉ người dân ở thành thị mà nhiều người ở vùng sâu, vùng xa cũng bị ảnh hưởng bởi những hệ lụy từ mạng xã hội. Đặc biệt là phụ nữ, những cô gái trẻ người DTTS sinh sống ở vùng DTTS, miền núi do nhẹ dạ, sẵn lòng tin người nên đã trở thành nạn nhân của tội phạm mạng... Có người trở về trong nỗi đau, sự tủi hổ, nhưng vẫn còn may mắn hơn bao cô gái khác bặt vô âm tín nơi đất khách quê người.

Cú lừa trên thế giới ảo

Cô gái Mông, Thào Thị Dương, trú tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, 19 tuổi, một bông hoa đẹp của núi rừng bỗng mất tích. Trong nỗi tuyệt vọng tột cùng, gia đình Dương đã làm đơn trình báo đến Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Bảo Thắng. Cùng thời gian này, anh trai của Dương nhận được tin nhắn qua Zalo của người em gái kể về tình cảnh của cô ở nơi đất khách quê người.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đọc lệnh bắt đối tượng phạm tội mua bán người. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đọc lệnh bắt đối tượng phạm tội mua bán người.

Những ký ức và thông tin về kẻ mua bán người qua lời kể của Dương khá mơ hồ. Mới quen nhau trên mạng xã hội, rồi 3 lần gặp nhau, Dương đã đem lòng thương yêu người đàn ông tên là Khoa và tin tưởng rằng anh ta muốn đưa Dương về làm vợ. Người đàn ông tên Khoa đón Dương bằng xe máy đưa xuống TP. Lào Cai, rồi đưa Dương qua một con suối sang đất Trung Quốc. Đến lúc này, Dương mới biết mình đã bị lừa.

Căn cứ vào đặc điểm nhận dạng do nạn nhân cung cấp… Công an huyện Bảo Thắng đã xác định Khoa có tên thật là Thào Tếnh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Bảo Thắng đã bắt giữ Thào Tếnh tại khu vực biên giới huyện Mường Khương. Qua trao đổi thông tin cùng với sự phối hợp của Công an Trung Quốc, nạn nhân Dương được cứu thoát khỏi “động quỷ” để trở về đoàn tụ cùng gia đình sau hơn 2 tháng chịu khổ cực về thể xác và tinh thần nơi đất khách.

Có hoàn cảnh giống như Dương, sau khi đã được giải thoát khỏi bọn buôn người trở về nhà, nhưng Lường Thị Trang, 20 tuổi, ở xã Nà Mường (Mộc Châu, Sơn La) vẫn bàng hoàng. Cũng chỉ vì nhẹ dạ, nghe lời ngon ngọt của một thanh niên mới quen trên mạng Facebook, Trang đã theo hắn đến Lào Cai rồi bị dắt sang Trung Quốc bán cho một động mại dâm.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của một số chị em phụ nữ, các đối tượng xấu đã thực hiện hành vi lừa đảo trên mạng. Qua mạng xã hội Facebook, chị Hà Thị Xắc trú tại xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nhận được thông báo trúng thưởng xe máy SH cùng 200 triệu đồng tiền mặt. Đối tượng gọi điện yêu cầu chị nộp lệ phí 3 triệu đồng bằng cách nạp thẻ qua điện thoại. Tin tưởng, chị Xắc đã nạp 2 triệu đồng tiền thẻ điện thoại cho đối tượng, một thời gian không liên hệ được, chị mới biết mình bị lừa.

Cảnh giác với những thông tin " mạng ảo "

Trung tá Đào Trung Hiếu, nguyên Đội phó Đội Phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hà Nội cho biết: với ứng dụng Zalo, việc phát triển tiện ích “tìm quanh đây” giúp xác định những người cùng sử dụng ứng dụng này trong phạm vi bán kính 2km, từ vị trí hiện tại của người dùng nên có thể bị kẻ xấu lợi dụng để định vị, xác định thông tin cá nhân, giới tính… Mạng xã hội Facebook phát triển các tiện ích “check in”, “gợi ý kết bạn”, “dòng thời gian” rất dễ bị lợi dụng khai thác thông tin, xác định vị trí, thông tin cá nhân, sở thích, thói quen sinh hoạt, những nơi đã đến...

Nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội Facebook để lừa đảo. Nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội Facebook để lừa đảo.

Đối tượng tội phạm hướng đến là những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết về thông tin trên mạng xã hội. Đặc biệt, thời gian gần đây, do điện thoại thông minh giá ngày càng rẻ, nhiều đồng bào DTTS ở vùng cao dễ dàng mua, sử dụng thì nguy cơ bị lừa đảo sẽ càng cao.

Trung tá Hiếu khuyến cáo; nên kiểm tra thông tin cá nhân của bạn mới quen để tìm ra các mâu thuẫn trong thông tin cá nhân và lời nói của họ. Ví dụ, nếu người đó nói họ đang đi đâu đó hoặc địa chỉ ở vùng này, hãy kiểm tra những địa điểm được check in hoặc thời gian của các hoạt động anh ta làm trên trang cá nhân.

Một trong những cách tốt nhất để phơi bày thật giả là bằng cách trò chuyện với anh ta trên điện thoại. Qua giọng nói, bạn có thể đoán nhận được phần nào anh ta từ đâu đến. Nếu giọng vùng miền của anh ta không phù hợp với những gì anh ấy nói thì đừng nên tiếp tục cuộc trò chuyện. Ngoài ra, hãy kiểm tra cả mã vùng số điện thoại, hãy yêu cầu anh ấy tìm một chiếc máy bàn để gọi lại cho bạn để xác minh đúng nơi mà anh ấy đang sinh sống.

TUẤN TRÌNH

Tin cùng chuyên mục
Lào Cai: Hàng trăm hộ dân không có sổ đỏ khi đang sinh sống trên đất thổ cư- Trách nhiệm thuộc về ai ?

Lào Cai: Hàng trăm hộ dân không có sổ đỏ khi đang sinh sống trên đất thổ cư- Trách nhiệm thuộc về ai ?

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai rất bức xúc khi mảnh đất thổ cư mà gia đình họ sinh sống bao đời nay, không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sau thời gian dài cơ quan chức năng thu hồi để thực hiện dự án chuẩn hóa hồ sơ địa chính.