Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Báo động tỷ lệ trẻ em DTTS bị suy dinh dưỡng

Hồng Phúc - 10:39, 30/12/2019

Báo cáo “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong Cộng đồng các DTTS tại Việt Nam: Vấn đề và các giải pháp can thiệp” của Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Dinh dưỡng quốc gia ngày 10/12 mới đây thống kê rằng, trong 3 trẻ DTTS thì có 1 em thấp còi và trong 5 trẻ thì có 1 em nhẹ cân.

Tỷ lệ trẻ em người DTTS suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao
Tỷ lệ trẻ em người DTTS suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao

Báo cáo Ủy ban Dân tộc thống kê từ các địa phương năm 2019 cho thấy, tỷ lệ trẻ em người DTTS suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao so với phân loại của Tổ chức Y tế thế giới và có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền. Đặc biệt là, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở nhóm DTTS rất ít người còn ở mức cao và phân bố không đều giữa các vùng miền trong cả nước, tập trung chủ yếu ở 3 vùng Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc. Tỷ lệ này ở trẻ người Chứt là 40%, Si La: 21,7%; Bố Y: 35%; La Ha: 20%, Brâu, Rơ Măm: 29,87%; Ơ-đu: 12%; Lô Lô: 16,91%.

Ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, kể từ khi người mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi là thời điểm vàng quyết định sự phát triển tối ưu về thể chất và trí tuệ của trẻ. Nếu trẻ không được cung cấp đủ dưỡng chất trong giai đoạn này, sẽ dẫn tới những tổn thương nghiêm trọng, khó có thể khắc phục đối với sự phát triển thể chất và trí não.

Do điều kiện sống phụ thuộc vào thiên nhiên, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí chưa cao gây trở ngại đến việc chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, sinh con của phụ nữ cùng với nguyên nhân nghèo đói, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đang góp phần đẩy cao tỷ lệ suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ của trẻ em. Tình trạng này còn dẫn đến nhiều hệ lụy như: Đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, mắc bệnh, tỷ lệ tử vong cao, chất lượng giống nòi suy thoái.

Bên cạnh đó, các quan niệm lạc hậu về mang thai, sinh đẻ, tập quán sinh đẻ tại nhà… cản trở việc tiếp cận với các dịch vụ y tế và khoa học kỹ thuật tiên tiến chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Theo đó, WB và Viện Dinh dưỡng quốc gia đã đề xuất một số giải pháp để cải thiện các chỉ số về dinh dưỡng cho trẻ em DTTS, như: Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả hơn trong vấn đề dinh dưỡng, với sự chỉ đạo của Chính phủ và một cơ chế điều phối hiệu quả của các cơ quan liên quan. Bảo đảm tài chính cho công tác dinh dưỡng, trong đó, bảo đảm ngân sách đầy đủ cho các can thiệp đã được kiểm chứng về tính hiệu quả. Đối với các tỉnh có tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng nhất cần được ưu tiên phân bổ và tiếp nhận ngân sách công để thực hiện các can thiệp dinh dưỡng.

WB và Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho rằng, cần đưa mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng vào Chương trình mục tiêu quốc gia, thành một ưu tiên và có phân bổ ngân sách phù hợp. Tăng khả năng tiếp cận của các nhóm DTTS với gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện dành cho vị thành niên, phụ nữ mang thai và trẻ em. Tăng khả năng tiếp cận của người DTTS tới dịch vụ nước sạch và vệ sinh môi trường.

Khuyến khích và áp dụng chính sách ưu đãi để trẻ em gái là người DTTS tham gia và hoàn thành Chương trình bậc trung học phổ thông. Mở rộng chương trình trợ cấp tài chính tập trung vào các hộ gia đình DTTS nghèo có phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong giai đoạn phát triển 1.000 ngày đầu đời…