Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh - Biểu tượng của quan hệ Việt Nam -Thái Lan

PV - 09:46, 19/05/2022

Chính quyền tỉnh Phichit coi Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị Thái Lan-Việt Nam, luôn dành sự quan tâm, đầu tư cho việc duy trì, nâng cấp và mở rộng khu di tích.

Đại sứ Phan Chí Thành trao Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Trưởng Ban quản lý Bảo tàng Bản Đông. (Ảnh: TTXVN
Đại sứ Phan Chí Thành trao Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Trưởng Ban quản lý Bảo tàng Bản Đông. (Ảnh: TTXVN

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan do Đại sứ Phan Chí Thành dẫn đầu đã đến thăm tỉnh Phichit, nơi có Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh tại xã Pamakab thuộc tỉnh Phichit, cách thủ đô Bangkok của Thái Lan khoảng 350km về phía Bắc. Đây là di tích lịch sử thứ ba về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan, sau các tỉnh Udon Thani và Nakhon Phanom.

Trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam ngày 17/5, Tỉnh trưởng tỉnh Phichit, ông Paiboon Nabutchom, đã bày tỏ sự kính trọng của nhân dân tỉnh Phichit đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ôn lại quãng thời gian Bác dừng chân tại địa phương.

Ngày nay, chính quyền tỉnh Phichit coi Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị giữa Thái Lan và Việt Nam, luôn dành sự quan tâm, đầu tư cho việc duy trì, nâng cấp và mở rộng khu di tích quan trọng này.

Đại sứ Phan Chí Thành cảm ơn Chính phủ Thái Lan và chính quyền tỉnh Phichit đã quan tâm xây dựng và phát triển khu Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bản Đông trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách Thái Lan, Việt Nam và các nước khác, nhằm tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước con người Việt Nam.

Đại sứ Phan Chí Thành và Đoàn Đại sứ quán đã tham quan Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh, thành kính dâng hoa, trồng cây lưu niệm và trao tặng bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phichit, tỉnh miền Bắc Thái Lan, là một vùng đất nông nghiệp màu mỡ, được hai con sông Yom và sông Nan bồi đắp. Trước khi Triều đại Chakri dời đô về vùng đồng bằng trung tâm Bangkok, Phichit đóng vai trò lịch sử quan trọng đối với hai vương quốc tiền triều Sukhothai và Ayutthaya, với những di tích lịch sử có niên đại hàng nghìn năm.

Đại sứ Phan Chí Thành tặng sách về quan hệ Việt Nam-Thái Lan cho Tỉnh trưởng tỉnh Phichit. (Ảnh: TTXVN phát.)
Đại sứ Phan Chí Thành tặng sách về quan hệ Việt Nam-Thái Lan cho Tỉnh trưởng tỉnh Phichit. (Ảnh: TTXVN phát.)

Để phát triển phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, tháng 7/1928, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Thái Lan (khi đó gọi là Xiêm) hoạt động.

Sau một thời gian ngắn hoạt động tại Bangkok, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Bản Đông, nơi có một xóm nhỏ của người Việt với khoảng hơn 20 hộ gia đình sinh sống.

Sau khi rời Phichit, Người đã dành phần lớn thời gian còn lại ở Thái Lan cho việc truyền bá chủ nghĩa yêu nước cho Việt kiều ở các tỉnh Đông Bắc của Thái Lan.

Phichit đã ghi lại những dấu ấn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, gắn liền với thời gian đầu tiên lãnh tụ Hồ Chí Minh từ châu Âu trở về để chuẩn bị cho quá trình thành lập một chính đảng duy nhất lãnh đạo cuộc cách mạng ở Việt Nam.

Khoảng gần cuối năm 1929, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời khỏi đất nước Chùa Vàng lên đường sang Hương Cảng (Hong Kong, Trung Quốc) để tổ chức cuộc họp thống nhất các tổ chức cộng sản của Việt Nam, thành lập một chính đảng duy nhất có nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.