Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn dân ca Cao Lan, Sán Chí

PV - 10:34, 18/01/2019

Từ thời điểm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2012), đến nay các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Cao Lan (sình ca) và dân ca Sán Chí (cnắng cọô) tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tiếp tục nhận được sự quan tâm của địa phương và ngành chức năng. Kết quả đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, còn không ít thử thách đòi hỏi những bước đi những kế hoạch bảo tồn, phát huy phù hợp trong thời gian tới.

Giữ tiếng hát cho bản làng

Ông Đàm Quang Lộc, thành viên cao tuổi nhất trong CLB Sình ca Cao Lan xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn cho biết: Mặc dù đồng bào đã không còn sử dụng sình ca phổ biến như trước đây nhưng chúng tôi đã vận động và được một số người trẻ tham gia học và hát dân ca dân tộc. Hiện nay, xã Đèo Gia đã thành lập được CLB hát Sình ca với 24 thành viên thuộc các thôn: Đồng Bụt, Đèo Gia, Cống Luộc. Thành viên nhỏ tuổi nhất 16 tuổi. CLB sinh hoạt mỗi tháng một lần tại nhà văn hóa thôn Cống Luộc. Hiện tại, có nhiều cụ hát sình ca có tiếng một thời tại Đèo Gia đang tích cực dạy cho lớp trẻ như: Cụ Chung Văn Thảo (75 tuổi), Hoàng Văn Phùng (80 tuổi), bà Bàng Thị Hội (70 tuổi)...

Hát giao duyên Sình ca tại xã Đèo Gia. Hát giao duyên Sình ca tại xã Đèo Gia.

Ngoài việc chép lại và phổ biến các bài hát cổ, một số thành viên trong CLB đã sáng tác các bài hát mới ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, quê hương đổi mới… Các nghệ nhân hát sình ca ở Đèo Gia đã từng tham gia và giới thiệu đặc trưng văn hóa tại nhiều sự kiện do Trung ương, địa phương tổ chức tại các địa phương: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Một số nghệ nhân như: Đàm Quang Lộc, Bàn Thị Hội được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Cùng với sình ca, dân ca “cnắng cọô” của dân tộc Sán Chí tại xã Kiên Lao được bảo tồn tương đối hiệu quả. Từ chỗ chỉ còn một số ít người biết hát dân ca, đến nay phong trào hát “cnắng cọô” đã lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo đồng bào tham gia. Đáng chú ý hơn cả, là sự hiểu biết và chắt lọc của ông Lâm Minh Sặp, Chủ nhiệm CLB Hát dân ca Sán Chí xã Kiên Lao. Ông đã dày công sưu tầm, biên chép và tự sáng tác thành công nhiều bài hát và cả lời cổ, lời mới để phổ biến, truyền dạy cho các lớp thế hệ sau này. Hiện, CLB có hơn 30 thành viên thường xuyên hoạt động, họ là những người yêu thích dân ca dưới sự chỉ dạy của các ông: Lâm Văn Đông, Lý Hồng Sơn, Lâm Văn Chiến, Lý Văn Tiến… Tuy nhiên, thành viên CLB đều có tuổi từ 40 trở lên, thế hệ trẻ ít người biết hát thể loại dân ca này do đó lớp kế cận còn hạn chế.

Để xứng tầm di sản quốc gia

Ông Đặng Minh Tuy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Lục Ngạn cho biết: Ngoài thành lập các CLB hát dân ca, để giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ trẻ, hàng năm huyện Lục Ngạn tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tạo không gia văn hóa, một số xã cũng có tổ chức ngày hội ở cấp mình. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, nâng cao ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Các nghệ nhân xã Đèo Gia truyền dạy dân ca Cao Lan cho lớp trẻ. Các nghệ nhân xã Đèo Gia truyền dạy dân ca Cao Lan cho lớp trẻ.

Cùng đó, ngành Văn hóa tỉnh mở lớp dạy một số lớp truyền chữ Hán-Nôm, nhằm giúp người trẻ của các dân tộc có thể tiếp cận, đọc và hiểu được ý nghĩa những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Huyện Lục Ngạn đã có chính sách hỗ trợ kinh phí, chuyên môn cho các CLB hát dân ca thành lập mới. Đến nay, toàn huyện có 2 CLB hát dân ca Sán Chí, 2 CLB hát dân ca Cao Lan, thành lập Ban Liên lạc các CLB hát dân ca, qua đó để các CLB giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn văn hóa. Ngoài rài, địa phương còn mở các lớp dạy tiếng dân tộc, dạy hát, múa các làn điệu dân ca truyền thống, thường xuyên tổ chức các hội diễn, hội thi…

Thời gian qua, Sở VHTTDL Bắc Giang đã phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn điều tra, nghiên cứu, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu các DTTS, tổ chức quay phim, ghi hình dân ca dân tộc Sán Chí; tổng điều tra văn hoá phi vật thể các dân tộc trên địa bàn; xuất bản nhiều tập sách có giá trị như: “Dân ca dân tộc Cao Lan tỉnh Bắc Giang”; “Phong tục tập quán tiêu biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang”; thực hiện đề tài “Điều tra, sưu tầm về vốn dân ca dân tộc Sán Chí ở xã Kiên Lao”… Trong đó đã sưu tầm được hơn 1 nghìn bài dân ca Sán Chí cổ ghi bằng chữ Hán, phiên âm sang tiếng Sán Chí, Hán Việt và tiếng Việt thuộc các thể loại chục cọô (hát ban ngày), cnắng cọô (hát ban đêm), chắu cọô (hát đám cưới), zoóng hồ cọô (hát đổi tên), cáp chay cọô (hát về lục giáp), phán lún cọô (hát thời loạn lạc)…

Đối với đề tài “Hát dân ca dân tộc Cao Lan” đã sưu tầm những văn bản nguyên gốc bằng chữ Nho và phiên âm sang tiếng Cao Lan, tạm dịch ra chữ quốc ngữ để đồng bào hiểu được những giá trị to lớn của loại hình dân ca độc đáo này. Ngành văn hóa tỉnh đã biên soạn sách “Dân ca Cao Lan”, tổ chức, hỗ trợ mở các lớp truyền dạy các loại hình dân ca dân tộc. Tổ chức ghi âm, ghi hình và phổ nhạc cho các bài hát tiêu biểu để tuyên truyền phổ biến. Có chính sách tôn vinh các nghệ nhân để họ tiếp tục sưu tầm, truyền dạy dân ca cho lớp trẻ. Tiếp tục vận động thành lập các CLB hát dân ca ở các thôn bản, tổ chức nhiều cuộc giao lưu, hội hát dân ca. Nâng cấp hội hát dân ca thành lễ hội cấp tỉnh, tạo sân chơi rộng thu hút đồng bào tham gia…

NGUYỄN HƯỞNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.