Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn, lan tỏa văn hóa Chơ Ro

Ngọc Ánh - 07:57, 16/10/2024

Dân tộc Chơ Ro cư trú lâu đời ở vùng núi thấp thuộc tỉnh Ðồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Do sinh sống gần kề hoặc đan xen với một số dân tộc khác nên nhiều nét văn hóa truyền thống của người Chơ Ro đã bị mai một. Tuy nhiên, hiện nay một số di sản văn hóa phi vật thể, các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống đã được ngành Văn hóa, chính quyền địa phương cùng người dân phục dựng lại, phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào.

Nam nữ dân tộc Chơ Ro múa hát trong Lễ Sayangva. Ảnh: KH
Nam nữ dân tộc Chơ Ro múa hát trong Lễ Sayangva. Ảnh: KH

Di sản của dân tộc

Theo ông Phạm Diêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu, phục dựng và phát triển nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ Ro” thì nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ Ro đóng vai trò rất quan trọng trong các lễ nghi, lễ hội, tín ngưỡng tâm linh, đám cưới, đám tang, diễn xướng dân gian... của gia đình, tộc họ và cộng đồng dân tộc Chơ Ro; nhất là trong sinh hoạt cộng đồng.
Diễn xướng dân gian Chơ Ro đầu tiên phải nói đến hát dân ca, bao gồm: Diễn xướng trữ tình dân gian: Các thể loại dân ca, hò, hát, hát giao duyên, hát huê tình (Mời rượu, Cầu mưa, Đi rừng, Rủ nhau đi cấy, Rủ nhau đi trồng tỉa…); Diễn xướng dân gian tổng hợp như: Lễ hội Ốp Yang Va (Cúng Thần lúa) và Lễ hội Ốp Yang Vri (Cúng Thần rừng); các thể loại, hình thức múa: Múa tín ngưỡng: Múa bà Bóng, Múa theo bà Bóng lên đồng; Múa lao động: Múa cấy lúa, Múa sàng gạo, Múa giã gạo, Múa đánh chiêng, Múa sáng trăng; Múa sinh hoạt…
Đồng bào Chơ Ro biểu diễn cồng chiêng trong Lễ Sayangva. Ảnh: TN
Đồng bào Chơ Ro biểu diễn cồng chiêng trong Lễ Sayangva. Ảnh: TN

Khác với dân ca dân tộc Mạ thường mang màu sắc tươi vui, lạc quan, dân ca Chơ Ro lại mang tính tự sự, như âm nhạc truyền thống người Việt. Những lời hát ru luôn chứa đựng những lời răn dạy con thơ về cách sống lạc quan, hướng thiện, gắn bó với cỏ cây, núi rừng… Còn những bài ca trong sinh hoạt, lao động là lời nhắn nhủ, khuyên răn, báo tin, kể chuyện, sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.

Triển khai Dự án 6, Chương trình MTQG 1719, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai đã tổ chức tuyên truyền, quảng bá văn hóa, nghệ thuật dân gian Chơ Ro; xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng có đồng bào dân tộc Chơ Ro kết hợp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.


Ngoài hát múa dân ca, đồng bào Chơ Ro có 7 loại nhạc cụ đang được bảo tồn, lưu giữ và tham gia trong các sinh hoạt cộng đồng như: goong (chiêng), chinh (cồng), goong cla (chiêng tre), cầm vuột (kèn bầu), goong choloq, senh, tuyn (sáo) và toon (kèn môi). Trong đó, chiêng được ví như hồn của người Chơ Ro. Bà con quan niệm, cồng chiêng thiêng liêng vì không thể thiếu trong các lễ cúng Thần lúa, Thần rừng. Trước khi đánh chiêng phải có lễ xin phép ông bà, tổ tiên lấy chiêng. Cồng chiêng của người Chơ Ro được treo lên khung một cách kính cẩn.

Phục dựng bảo tồn
Để bảo tồn văn hóa dân gian các dân tộc Chơ Ro, năm 2023, Sở Khoa học - Công nghệ và Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng Đề tài khoa học “Nghiên cứu, phục dựng và phát triển nghệ thuật diễn xướng dân gian Chơ Ro, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu”. Qua đó tiến hành khảo sát, thu thập, bổ sung nguồn tư liệu về các điệu múa, điệu hát và nghi lễ trong dân gian nhằm phục dựng và bảo tồn nguyên bản nghệ thuật diễn xướng của Lễ hội Sayangva - Mừng lúa mới, một trong những lễ hội lớn nhất của người Chơ Ro.

Bên cạnh đó, các địa phương có đông đồng bào Chơ Ro sinh sống cũng thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống hằng năm tại nhà văn hóa cộng đồng như ở huyện Châu Đức hay ở các xã Bàu Lâm, Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc; xã Long Tân, huyện Đất Đỏ…

Nghi thức Lễ Sayangva của người Chơ Ro. Ảnh: TN
Nghi thức Lễ Sayangva của người Chơ Ro. Ảnh: TN

Còn tại Đồng Nai, hằng năm đồng bào Chơ Ro vẫn đều đặn tổ chức 2 lễ hội quan trọng nhất trong năm là Lễ cúng Thần lúa (tiếng Chơ Ro là Ôp YanYang) và Lễ cúng Thần rừng (Ôp Yang Vri). Ngoài ra, đồng bào cũng tổ chức Lễ cầu mưa, dựng cây nêu và các nghi lễ trong chu kỳ vòng đời. 

Năm 2022, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Đồng Nai đã tổ chức luyện tập cồng chiêng, tái hiện các nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Sayangva (Mừng lúa mới) của đồng bào Chơ Ro ở xã Túc Trưng, huyện Định Quán để tham gia Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ 3 năm 2022 tại Kon Tum. 

Năm 2024, tỉnh Đồng Nai xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh Lễ hội Sayangva (cúng Thần lúa) của người Chơ Ro vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân Chơ Ro ở TP. Long Khánh, Đồng Nai truyền dạy cách đánh cồng chiêng
Nghệ nhân Chơ Ro ở TP. Long Khánh, Đồng Nai truyền dạy cách đánh cồng chiêng

Ông Đặng Thanh Hiếu, Trưởng Phòng Dân tộc TP. Long Khánh cho biết: Triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG 1719, từ đầu năm 2024 đến nay, TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã mở được 4 lớp dạy cồng chiêng cho đồng bào dân tộc Chơ Ro tại địa bàn các xã Bảo Quang, Hàng Gòn, Bàu Trâm và phường Bảo Vinh, với tổng số 80 học viên tham gia lớp học. 

Thành phố đã cấp kinh phí hỗ trợ cho người truyền dạy và học viên, mua trang phục với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Mục đích là giúp cho đồng bào duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình và dạy cho các em thanh, thiếu niên hiểu biết về văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Tuyên Quang: Ưu tiên phát triển toàn diện đối với các dân tộc có khó khăn đặc thù

Tuyên Quang: Ưu tiên phát triển toàn diện đối với các dân tộc có khó khăn đặc thù

Cùng với Hà Giang thì Tuyên Quang là địa phương có đồng bào dân tộc Pà Thẻn sinh sống tập trung đông nhất cả nước. Đây là một trong 14 dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025. Từ các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình MTQG 1719, tỉnh Tuyên Quang đã ưu tiến bố trí nguồn lực, để đầu tư, hỗ trợ nhằm phát triển toàn diện những địa bàn có dân tộc Pà Thẻn sinh sống tập trung.