Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bảo tồn lễ hội dân gian các dân tộc thiểu số: Phục dựng... rồi sau đó?

PV - 16:43, 02/04/2018

Các DTTS vùng miền núi phía Bắc có nhiều lễ hội truyền thống, nghi lễ dân gian gắn với quá trình lập bản, lập mường... Qua thời gian, nhiều lễ hội dân gian đã “biến mất” khỏi đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các DTTS.

Trước thực trạng đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch  (VHTT&DL) đã chỉ đạo các Sở Văn hóa phối hợp với chính quyền địa phương phục dựng lại các lễ hội dân gian dân tộc đã và đang có nguy cơ mai một. Tuy nhiên, sau phục dựng, một số lễ hội vẫn chưa đủ sức “trụ” lại bền vững trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Thất truyền lễ hội

Khoảng những năm 1980 trở về trước, những người con dân tộc Thái trong các bản làng miền Tây Nghệ An đều biết đến Lễ hội Xăng Khan-một Lễ hội tín ngưỡng tâm linh độc đáo của dân tộc mình. Lễ hội này do các thầy mo đứng ra tổ chức và làm chủ lễ với ý nghĩa tạ ơn các thầy mo tiền bối, tổ tiên đã dạy cho người làm mo cách bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Lễ hội Xăng Khan cũng là dịp để người dân khắp bản trên, làng dưới trả ơn thầy mo đã chữa khỏi bệnh cho người thân trong gia đình.

Đồng bào Khơ-mú xã Ảnh Tở, huyện Mường Ảng biểu diễn dân vũ trong Lễ hội Cầu mưa. Đồng bào Khơ-mú xã Ảnh Tở, huyện Mường Ảng biểu diễn dân vũ trong Lễ hội Cầu mưa.

 

Tuy nhiên, khoảng gần 30 năm nay, trong các bản làng người Thái- Quỳ Hợp đã không còn thấy “bóng dáng” Xăng khan. Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Bình ở bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp cho biết: “Khoảng năm 1978, tôi được tham dự một lễ Xăng khan do thầy mo Sầm Văn Tấn ở bản Yên Luốm tổ chức. Từ đó đến nay không thấy ông mo nào ở Quỳ Hợp tổ chức Xăng khan nữa. Bên cạnh các huyện lân cận như Quỳ Châu, Quế Phong cũng chỉ còn một vài ông mo tổ chức Xăng khan khi gia đình có điều kiện sắm sửa đồ lễ (vì làm Xăng khan khá tốn kém kinh phí).

Năm 2017, Lễ hội Xăng khan của người Thái Nghệ An được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên, sau Lễ công bố, Xăng khan vẫn chưa hồi sinh trở lại trong cộng đồng người Thái-Quỳ Hợp, mặc dù toàn huyện vẫn còn 57 người làm nghề mo sống trong các bản, làng vùng sâu, vùng xa”.

Còn tại tỉnh Điện Biên, qua công tác khảo sát, kiểm kê, đánh giá thực trạng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng 20 dân tộc anh em trên địa bàn toàn tỉnh, Phòng Di sản Văn hóa (Sở VHTT&DL) cho biết, có hàng trăm lễ hội văn hóa, nghi lễ tâm linh, lễ nghi nông nghiệp… đã và đang được đồng bào duy trì, tổ chức trong phạm vi gia đình, dòng họ hoặc cộng đồng.

Tuy nhiên, theo anh Thào A Dơ, cán bộ Phòng Nghiên cứu Sưu tầm (Bảo tàng tỉnh Điện Biên) chia sẻ: “Qua thời gian cùng với sự thay đổi của đời sống xã hội, nhiều lễ hội dân gian, lễ nghi liên quan đến tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các DTTS đã bị mai một, thất truyền. Ví dụ như Lễ Nhảy lửa của người Dao-huyện Tùa Chùa; Lễ Cầu mùa của người Si La-huyện Mường Nhé; Lễ cưới của người Xạ Phang (Hoa)-huyện Mường Chà…”

Thiếu kinh phí để bảo tồn bền vững

Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL), trên cả nước hiện có 248 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 96 di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống, 60 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 59 di sản tập quán xã hội và tín ngưỡng...Trong số hàng trăm di sản lễ hội dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng, có nhiều lễ hội được phục dựng từ ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn (2011-2015 và 2016-2020).

Tại Tỉnh Điện Biên, từ năm 2011 đến nay, từ nguồn ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia, Sở VHTT&DL đã giao cho Bảo tàng tỉnh triển khai thực hiện phục dựng, bảo tồn mỗi năm từ 1-2 lễ hội dân gian các DTTS, ưu tiên các dân tộc rất ít người. Anh Lê Đình Hải, cán bộ Phòng Nghiên cứu sưu tầm (Bảo tàng tỉnh Điện Biên) cho biết: “Với kinh phí Nhà nước hỗ trợ phục dựng, bảo tồn mỗi di sản chỉ từ 100 đến 200 triệu đồng mỗi năm, Bảo tàng tỉnh cố gắng lắm cũng chỉ tổ chức phục dựng, diễn trình được 1-2 lễ hội. Nhiều lễ hội sau khi phục dựng, diễn trình, hoàn thiện hồ sơ khoa học xong thì “chìm xuồng”, chưa phát huy được giá trị trong đời sống cộng đồng”.

Theo chị Lê Thị Lan Anh, cán bộ Phòng Di sản (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Điện Biên): “Để các lễ hội, lễ nghi dân gian các DTTS thực sự hồi sinh, bám rễ sâu bền vào đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, Trung ương và chính quyền địa phương cần có một khoản kinh phí dành riêng để hỗ trợ đồng bào phục dựng lại lễ hội gắn với những sự kiện văn hóa-chính trị tại địa phương. Ví dụ hỗ trợ đồng bào mua đạo cụ, trang phục dân tộc để tiến hành nghi lễ; hỗ các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy cho lớp trẻ các nghi thức hành lễ, các điệu múa, bài hát dân gian có sử dụng trong lễ hội…”

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

“Theo dấu chân Người” là chủ đề của chuỗi các hoạt động tháng 5/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Trong đó, có nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như “Bài ca dâng Bác”, “Tây Nguyên với Bác Hồ - Bác Hồ với Tây Nguyên”, tái hiện lễ mừng chiến thắng của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai…