Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các DTTS thông qua lễ hội ở Gia Lai: Phục dựng nhiều nghi lễ truyền thống gắn với phát triển du lịch (Bài 3)

Hòa Bình - 06:31, 07/12/2023

Trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, trong đó có phục dựng, tái hiện các nghi lễ truyền thống của đồng bào các DTTS. Qua đó, tạo động lực để đồng bào DTTS giữ gìn văn hóa truyền thống đặc sắc gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Phục dựng Lễ cúng lúa mới tại Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya năm 2023, huyện Chư Păh, Gia Lai
Phục dựng Lễ cúng lúa mới tại Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya năm 2023, huyện Chư Păh

Phục dựng lễ hội gắn với phát triển du lịch

Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tổ chức các hoạt động văn hóa, trong đó có phục dựng, tái hiện các nghi lễ truyền thống của đồng bào các DTTS.

Điển hình, tại làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku trong khuôn khổ Ngày hội Văn hoá - Du lịch thành phố Pleiku năm 2023, Đoàn nghệ nhân của các làng đồng bào DTTS trên địa bàn TP. Pleik đã tham gia phục dựng một số nghi lễ văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc tại địa phương, thu hút đông đảo du khách tham gia thưởng ngoạn.

Trong không gian diễn ra Ngày hội Văn hoá - Du lịch thành phố Pleiku, 4 đoàn nghệ nhân với hơn 100 thành viên là người Gia Rai đến từ các xã phường trên địa bàn thành phố Pleiku, đã tham gia phục dựng nhiều nghi lễ truyền thống có ý nghĩa quan trọng như phục dựng Lễ mừng nhà Rông mới; Đám cưới người Gia Rai; Lễ cúng giọt nước; Lễ bỏ mả (Pơ Thi). 

Để các nghi lễ được tái hiện với vẻ nguyên sơ vốn có từ ngàn đời nay, các già làng, trưởng thôn đã huy động sự tham gia của các thành viên trong làng, hướng dẫn dân làng chuẩn bị đầy đủ các lễ vật và trực tiếp thực hiện các nghi lễ. Vì vậy, khi được tham gia tái hiện nghi lễ, các thành viên đều cảm thấy tự hào với nguồn cội văn hoá của dân tộc mình.

Phục dựng Lễ cúng giọt nước của đồng bào Gia Rai tại Tp. Pleiku, Gia Lai
Phục dựng Lễ cúng giọt nước của đồng bào Gia Rai tại Tp. Pleiku, Gia Lai

Em Puih H’Ly, Đoàn nghệ nhân phường Thắng Lợi, TP. Pleiku chia sẻ: “Là một thanh niên trong làng khi tham gia các lễ phục dựng này em thấy rất tự hào về văn hóa truyền thống dân tộc Gia Rai của mình. Từ đó, giúp em cũng như mọi người trong làng hiểu hơn về phong tục tập quán của dân tộc Gia Rai, cùng nhau giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hoá dân tộc và lan tỏa nét đẹp văn hóa đến mọi người dân và du khách.”

Đặc biệt, sau hơn 1 tuần diễn ra chuỗi các sự kiện sôi động và đậm bản sắc, Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 (từ ngày 11 - 19/11) với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, phục dựng các nghi lễ truyền thống… có sự tham gia của hơn 1.300 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên đã thu hút 165.000 lượt khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Đoàn nghệ nhân huyện Đức Cơ tái hiện lễ bỏ mả (Pơ thi) của đồng bào Gia Rai
Đoàn nghệ nhân huyện Đức Cơ tái hiện lễ bỏ mả (Pơ thi) của đồng bào Gia Rai

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long, cho biết: Việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023, đặc biệt là Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2023, nhằm tôn vinh giá trị Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (trong đó có không gian lễ hội, tái hiện sinh hoạt cộng đồng, phục dựng lễ hội truyền thống) tạo sự giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực; là dịp để quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh về giá trị độc đáo của di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người Gia Lai. Đây cũng là cơ hội để hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần xây dựng Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung ngày càng phát triển bền vững và giàu mạnh.

Đưa không gian làng về phố

Bên cạnh tổ chức các lễ hội, liên hoan, Chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển” đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai  tổ chức vào sáng chủ nhật hằng tuần từ tháng 10 - 12/2023.

Theo đó, mỗi tuần, Ban Tổ chức sẽ mời một đoàn nghệ nhân tham gia trình diễn sắc màu văn hóa của dân tộc mình, tái hiện không gian sinh hoạt hằng ngày, như: Đan lát, dệt vải, tạc tượng, giã gạo, hát kể sử thi, biểu diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc; không gian sinh hoạt lễ hội; tổ chức các trò chơi dân gian; chế biến ẩm thực và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào.

“Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển” nhằm quảng bá giá trị văn hóa độc đáo của các DTTS Gia Lai và tạo không gian để người dân, du khách trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc trưng của các dân tộc
“Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển” nhằm quảng bá giá trị văn hóa độc đáo của các DTTS Gia Lai và tạo không gian để người dân, du khách trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc trưng của các dân tộc

Cùng với đó, Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết TP. Pleiku vào tối thứ 7 hàng tuần, cũng góp phần giúp các đồng bào DTTS tái hiện các nghi lễ truyền thống thông qua từng bài chiêng, điệu múa.

Ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai thông tin: “Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển”, là mô hình đưa không gian làng về phố nhằm quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa độc đáo của các DTTS Gia Lai, đồng thời tạo nên không gian để người dân và du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc trưng của các dân tộc. 

Ngoài ra, Sở cũng thành lập Ban Chỉ đạo của ngành VHTTDL và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo về thực hiện Dự án 6; Ban Tổ chức hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một thuộc Chương trình MTQG 1719; tổ chức các lớp tập huấn bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hoá cồng chiêng, kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể và lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; 

Ra mắt Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ tại làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang; Hỗ trợ kinh phí cho Nghệ nhân ưu tú là người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến, truyền dạy văn hóa truyền thống trong cộng đồng thuộc Chương trình MTQG 1719 năm 2023; tổ chức thành công “Ngày Hội văn hoá các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ II, năm 2023” với sự tham gia của 740 nghệ nhân. Trong đó, các đoàn nghệ nhân đã tái hiện không gian sinh hoạt của cộng đồng thông qua các hoạt động: phục dựng các lễ hội truyền thống, trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc…

Cùng với đó, thành lập Đoàn nghệ thuật quần chúng của tỉnh tham gia Chương trình hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền toàn quốc tại tỉnh Nghệ An; thành lập đoàn nghệ nhân của tỉnh tham gia biểu diễn tại Lễ hội Âm thanh Thế giới Jeonju 2023 tại Hàn Quốc.

Theo ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, thời gian tới, ngành văn hóa tỉnh Gia Lai sẽ đẩy mạnh việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa; các di sản văn hóa, các phong tục, tập quán của các dân tộc. Tiếp tục triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719; đa dạng hóa các chương trình du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa địa phương; tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa và di sản văn hóa tại địa phương. 

"Địa phương cũng sẽ tổ chức Ngày hội Văn hoá các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III, năm 2024, trong đó có phục dựng, tái hiện các nghi lễ truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh", ông Trần Ngọc Nhung cho biết thêm.


Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.