Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bản sắc và Hội nhập

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Mông nhờ công nghệ 4.0

Tuyết Mai - 14:42, 02/12/2021

Khoảng 6 năm nay khi bắt đầu tiếp cận với internet các bạn trẻ người dân tộc Mông ở xã Ya Hội, huyện Đak Pơ (Gia Lai) đã học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình qua các bài hát có phụ đề, các kênh youtube dạy tiếng Mông … Từ ý thức sử dụng, bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết dân tộc mình một cách tự thân của các bạn trẻ đã góp phần bảo tồn "tiếng mẹ đẻ" một cách hiệu quả.

Các bạn trẻ người Mông, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai học chữ “mẹ đẻ” qua các bài hát trên mạng internet
Các bạn trẻ người Mông, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai học chữ “mẹ đẻ” qua các bài hát trên mạng internet

Chúng tôi đến làng của đồng bào Mông vào một buổi chiều muộn khi người dân nơi đây đã về nhà sau một ngày vất vả với công việc nương rẫy. Đang băng băng chạy trên đường làng, bất giác chúng tôi nghe tiếng hát cất lên từ phía nhà rông: “Nyob zoo os hnub no nej ua dab tsis xwb os. Nej puas noj qab nyob zoo os”. Tò mò, chúng tôi ghé lại thấy một nhóm bạn trẻ đang quây quần và mắt chăm chú nhìn vào điện thoại. Trò chuyện với các em, chúng tôi mới biết nhóm các em đang học tiếng của người Mông từ các bài hát được đăng trên internet. Câu hát chúng tôi nghe được lúc đi trên đường làng được tạm dịch: Xin chào, hôm nay bạn làm gì, bạn có khỏe không?

Nhanh tay chỉ cho chúng tôi xem những bài hát bằng tiếng Mông đăng trên trang Youtube, Em Lý Thị Kia (24 tuổi) cho biết, em sinh ra và lớn lên tại xã Ya Hội và nơi đây cũng tập trung hầu hết là người dân tộc Mông sinh sống. Tuy nhiên, từ nhỏ đến nay em vẫn giao tiếp bằng tiếng Mông nhưng không biết về chữ viết của "tiếng mẹ đẻ”.

Đến năm em 13 tuổi, trong một lần xem chiếc đĩa CD ca nhạc được một người họ hàng xa ở Cao Bằng tặng, em bắt đầu để ý tới chữ của dân tộc mình và khao khát muốn học. Từ đó, em mày mò học thêm từ mẹ và đến năm 2015, khi xã Ya Hội có mạng internet, em lên mạng tìm hiểu thêm. “Lúc mới học cũng khó lắm. Giờ thì em có thể đọc thông, viết thạo chữ viết của dân tộc mình rồi”-Kia phấn khởi nói.

Với mong muốn các bạn trẻ cũng biết đến tiếng dân tộc của mình, Kia giới thiệu và vận động mọi người cùng học; sau đó chỉ lại cho các em nhỏ hơn trong làng. Thậm chí, có những bạn trẻ sau khi thành thạo chữ viết người Mông đã dùng ngôn ngữ này dịch các bài hát tiếng Việt sang tiếng Mông để cùng nhau ca hát.

Em Lý Văn Sình (sinh năm 1995) chia sẻ, em bắt đầu học chữ viết người Mông cách đây hơn sáu năm và đã chuyển thể trên 10 bài hát từ tiếng Việt sang tiếng Mông. Phần vì em muốn ứng dụng những gì mình học được, phần vì muốn giúp các bạn trẻ trong làng biết đến ngôn ngữ truyền thống của dân tộc mình”.

Thấy nhiều bạn trẻ ở làng biết đến tiếng Mông qua internet, Lý Thị Chi cũng không ngại khó, tranh thủ vào ban đêm, khi việc nhà đã xong, Chi lên mạng học chữ viết của dân tộc mình. Sau ba năm tự học, giờ Chi đã có thể đọc và viết thành thạo tiếng của dân tộc mình. “Chữ viết cũng là một nét đẹp thiêng liêng trong văn hóa của dân tộc. Mình phải cố gắng học để sau này dạy lại cho các con”-Lý Thị Chi bộc bạch.

Em Lý Thị Kia (giữa) giới thiệu và vận động mọi người cùng học tiếng Mông
Em Lý Thị Kia (giữa) giới thiệu và vận động mọi người cùng học tiếng Mông

Người Mông ở xã Ya Hội từ Cao Bằng đến nơi đây lập nghiệp từ năm 1982 theo diện đi làm kinh tế mới. Ban đầu, chỉ có 11 hộ, 157 khẩu, sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp ở 3 làng là làng Mông 1, Mông 2 và làng Ghép. Đến năm 2019, ba làng này được sáp nhập và đổi tên thành làng Mông với 150 hộ, 732 khẩu.

Ông Lý Nguyên Thắng, công chức văn hóa xã hội - xã Ya Hội cho biết, từ khi di cư vào đây, lớp người lớn tuổi mải lo làm ăn, phát triển kinh tế, chỉ lưu giữ một phần văn hóa của người Mông như tục thờ cúng ông bà tổ tiên, trang phục truyền thống … mà gần như quên đi chữ viết truyền thống của dân tộc mình. Khoảng 6 năm trở lại đây, khi internet ở xã phát triển, lớp trẻ trong làng bắt đầu biết lên mạng tìm hiểu, học hỏi về chữ viết của dân tộc mình.

Hiện tại, khoảng trên 50% thế hệ trẻ làng Mông đã biết đọc, biết viết chữ Mông. Các bạn thường xuyên dùng chữ Mông để trao đổi thông tin với nhau qua mạng xã hội Zalo, Facebook … “Tôi cũng là người dân tộc Mông. Nhìn thấy các bạn trẻ tích cực gìn giữ “tiếng mẹ đẻ” của dân tộc mình, tôi mừng lắm. Tới đây, tôi cũng sẽ phối hợp với các bạn trẻ giúp nhau học tiếng người Mông để gì giữ nét đẹp của dân tộc mình”-ông Lý Nguyên Thắng vui vẻ nói thêm.

Trong làn sóng của cuộc cách mạng 4.0, một mặt cần xúc tiến thu thập và số hóa ngôn ngữ các DTTS, đặc biệt là các dân tộc rất ít người; mặt khác ngành giáo dục cần đưa các ngôn ngữ dân tộc có nguy cơ mai một vào truyền dạy trong hệ thống trường học tại các địa phương miền núi có các DTTS sinh sống. Quan trọng nhất là cần tuyên truyền, khuyến khích để mỗi người dân tại các bản, làng có ý thức sử dụng, bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết dân tộc mình một cách tự thân, tránh để sau này “tiếng mẹ đẻ” chỉ còn trong ký ức…