Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn trang phục dân tộc: Khó cũng phải làm

PV - 09:40, 10/09/2018

“Trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp quá khứ để lại cho ngày nay. Việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống là vô cùng cần thiết. Nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một sẽ làm mất đi giá trị tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của các dân tộc. Những bộ trang phục của đồng bào dân tộc gần như là “căn cước”, là văn hóa của một tộc người”.

Bảo tồn trang phục Phụ nữ Mông trang trí hoa văn trên vải thổ cẩm để thiết kế trang phục. (Ảnh Thanh Hà).

Theo Báo cáo công tác kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn tỉnh một số dân tộc bảo tồn khá tốt trang phục truyền thống như: dân tộc Thái, Mông, Dao... Tuy nhiên chỉ dừng lại bảo tồn tốt ở trang phục phụ nữ, chủ yếu chỉ mặc trong các lễ hội, còn trang phục nam giới hầu như không thấy. Với đồng bào dân tộc Dao, tuy vẫn duy trì tốt việc cắt may trang phục truyền thống, nhưng cũng ít sử dụng hằng ngày, chủ yếu mặc vào ngày cưới, lễ nghi. Đối với dân tộc Mông, công tác bảo tồn trang phục truyền thống ở cả phụ nữ và đàn ông dân tộc Mông đều rất tốt. Họ duy trì việc cắt may, tạo hoa văn trên trang phục cũng như việc sử dụng trang phục hằng ngày.

Trên thực tế, nhiều dân tộc, đồng bào vẫn còn giữ những bộ trang phục truyền thống, nhưng để mặc hàng ngày thì rất hiếm. Em Vi Thị Loan, dân tộc Thái (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) chia sẻ: “Là người Thái, nhưng khi nào nhà có việc hoặc đi chơi hội, chơi Tết, em mới mặc trang phục của người Thái. Những lúc đi làm, em thường chọn mặc áo phông, áo sơ mi cho dễ làm việc, vì áo cóm của người Thái không thuận tiện khi làm việc”.

Bảo tồn trang phục Các bộ trang phục truyền thống dân tộc chủ yếu chỉ còn xuất hiện trong các ngày lễ, ngày hội.

Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cũng đã chỉ đạo các huyện tổ chức Ngày hội văn hóa nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống. Bà Ngô Thị Hải Yến, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La thông tin: “Hiện nay, Sở chưa có một đề án chính thức về bảo tồn trang phục dân tộc. Bởi lẽ, việc mặc trang phục dân tộc trong sinh hoạt còn phụ thuộc vào nhu cầu, hoàn cảnh của mỗi người. Không thể bắt ép mà chỉ có thể khuyến khích.

Hiện nay, việc thực hiện các đề án về bảo tồn chữ viết, lễ hội đã phần nào tác động đến ý thức bảo tồn trang phục của người dân. Ngoài ra, tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, Sở khuyến khích hoạt động dịch vụ bán và cho thuê trang phục dân tộc phục nhu cầu của khách du lịch. Đây cũng là cách làm góp phần quảng bá hình ảnh các bộ trang phục dân tộc đến gần hơn với du khách, đồng thời để đồng bào ý thức hơn trong việc giữ gìn trang phục dân tộc của dân tộc mình.

Bảo tồn trang phục Dịch vụ cho thuê trang phục tại điểm du lịch đồi chè Mộc Châu thu hút rất đông khách du lịch.

Việc bảo tồn trang phục dân tộc dẫu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn là yêu cầu cần phải thực hiện. Hơn lúc nào hết, về phía các nhà quản lý văn hóa cần có những chủ trương cụ thể, thực tế để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của trang phục dân tộc. Bởi theo như lời ông Trần Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La từng nhấn mạnh tại Lễ khai mạc “Trình diễn trang phục dân tộc”, một hoạt động trong khuôn khổ của Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Sơn La năm 2018 vừa qua: “Trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp quá khứ để lại cho ngày nay. Việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống là vô cùng cần thiết. Nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một sẽ làm mất đi giá trị tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của các dân tộc. Những bộ trang phục của đồng bào dân tộc gần như là “căn cước”, là văn hóa của một tộc người”...

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Hát Aday- Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của đồng bào dân tộc Khmer vùng Nam Bộ nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có từ lâu đời. Nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn hát Aday, tỉnh Hậu Giang đã và đang ưu tiên nguồn kinh phí để các địa phương, nghệ nhân thực hiện những hoạt động thiết thực đối với loại hình nghệ thuật này.