Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Mường

PV - 16:53, 06/05/2019

Thực hiện Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” của UBND huyện Ba Vì (TP. Hà Nội), xã Minh Quang đã có nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang, huyện Ba Vì xung quanh việc thực hiện Đề án này.

Hội thi “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường” một trong những hoạt động nhằm bảo tồn bản sắc dân tộc ở xã Minh Quang, Ba Vì (Hà Nội). Hội thi “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường” một trong những hoạt động nhằm bảo tồn bản sắc dân tộc ở xã Minh Quang, Ba Vì (Hà Nội).

Thực hiện Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2015-2020” của UBND huyện Ba Vì, trong 4 năm qua, xã đã có những hoạt động gì, thưa ông?

Những năm qua, xã Minh Quang đã phối hợp với Phòng Dân tộc cung cấp 6 bộ cồng chiêng dân tộc Mường cho một số thôn và thành lập được 6 câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng trên địa bàn với mỗi CLB khoảng trên dưới 30 thành viên tham gia. Ngoài ra, cứ 2 năm một lần, xã Minh Quang lại tổ chức Hội thi nói tiếng dân tộc Mường. Đặc biệt, các hoạt động, các lễ hội trên địa bàn cũng được quan tâm như lễ hội cồng chiêng, múa hát theo làn điệu, hội thi tiếng nói và giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Mường; tổ chức và thành lập các CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc về tiếng nói, trang phục…

Bên cạnh đó, các thành viên CLB còn hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Các CLB còn thực hiện lồng ghép các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào DTTS, giúp người dân hiểu biết và chấp hành pháp luật. Cùng với đó, một số CLB còn gắn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường với phát triển du lịch.

Trong 4 năm thực hiện Đề án, xã Minh Quang đã thành lập được 6 CLB cồng chiêng. Trong lĩnh vực thể dục-thể thao, liên tiếp 3 năm (từ 2016-2018) khi tham gia Hội thi Thể dục Thể thao dân tộc miền núi do TP. Hà Nội tổ chức, xã Minh Quang luôn đạt giải Nhất toàn đoàn môn bắn nỏ. Về cá nhân có vận động viên Nguyễn Văn Chung đạt Huy chương Vàng môn bắn nỏ năm 2018, Huy chương Bạc môn bắn nỏ năm 2019,…

Đặc biệt, từ khi thực hiện Đề án, xã đã tổ chức thành công các hội thi “Nói tiếng dân tộc Mường” và “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường”. Qua đó, các thí sinh tham gia Hội thi có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Công tác bảo tồn các làn điệu dân ca, lễ hội của đồng bào dân tộc Mường được triển khai có hiệu quả. Đến nay, đồng bào Mường đã đưa tiếng cồng, tiếng chiêng trở lại trong hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hiện ở Minh Quang có nhiều thôn như thôn Lặt, thôn Di, thôn Vip, thôn Cốc Đồng Tâm,… có đội cồng chiêng riêng, góp phần giữ gìn nét văn hóa của người Mường. Ngoài ra cũng có nhiều nghệ nhân tham gia công tác sưu tầm, sáng tác lời cho cồng chiêng bằng tiếng Mường như bà Đinh Thị Hiền.

Đến nay, những trò chơi dân gian của người Mường như: bắn nỏ, đẩy gậy, ném còn, đánh đu… không chỉ được diễn ra trong các dịp lễ hội, tết cổ truyền dân tộc mà còn được bà con chơi trong các dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cùng với đó, bà con ngày càng có ý thức hơn trong việc giữ gìn những nét văn hóa của dân tộc Mường như mặc trang phục dân tộc, dạy con cháu nói tiếng Mường hằng ngày.

Hằng năm, các thôn bản đều tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng, thu hút đông đồng bào tham gia, cổ động. Đồng thời tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước tại xã, tạo không khí vui tươi, qua đó khơi dậy và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Trong quá trình thực hiện Đề án, địa phương có gặp phải những khó khăn gì không, thưa ông?

Minh Quang là xã miền núi nằm ở phía Tây huyện Ba Vì, có trên 14.000 dân, là địa bàn sinh sống xen kẽ giữa người Kinh và người Mường, trong đó người Mường chỉ chiếm trên 40%. Do đó, nền văn hóa của đồng bào dân tộc Mường ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, chính vì vậy việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay đi học và đi làm có sự giao thoa, giao tiếp với nhiều nền văn hóa nên việc giữ gìn tiếng nói, trang phục cũng dần bị mai một.

Trong suốt 4 năm thực hiện Đề án, kinh phí chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa nhưng cũng rất hạn chế vì xã gần như không có nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Để việc bảo tồn và phát triển hơn nữa các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, xã cần có những giải pháp gì thưa ông?

Để việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn đạt hiệu quả, xã Minh Quang đặc biệt tập trung vào việc phát huy vai trò, uy tín của các già làng, trưởng thôn nhằm khơi dậy bản sắc đặc trưng, nét đẹp văn hóa dân tộc Mường.

Trong các dịp lễ, Tết, nhất là ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, tại các khu dân cư cần có kế hoạch tổ chức các lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc Mường, qua đó các già làng, trưởng thôn có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ những nét đẹp của dân tộc mình qua tiếng nói, trang phục, các làn điệu dân ca hát sắc bùa, múa sạp, hay cách sử dụng cồng chiêng...

Khuyến khích, cổ vũ các nghệ nhân có kế hoạch mở lớp truyền dạy về tiếng nói, về lời hát cồng, chiêng…

Xã Minh Quang sẽ tiếp tục đầu tư, cung cấp các bộ cồng chiêng cho một số thôn còn lại; tiếp tục bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc Mường như tiếng nói, trang phục, cồng chiêng,… thành lập các CLB bắn nỏ, CLB đẩy gậy,…

Đồng thời, đề xuất Trung ương, thành phố, huyện có cơ chế bổ sung kinh phí cho xã để có điều kiện thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

HOÀI DƯƠNG