Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc rất ít người: Chạy đua cùng thời gian

PV - 13:58, 23/05/2018

Bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc rất ít người đang mai một hoặc bị biến dạng nghiêm trọng, dễ nhận thấy nhất là những giá trị văn hóa vật thể. Đó là cấu trúc làng bản, là nhà ở, là những công trình văn hóa gắn liền với đời sống của đồng bào….

Bài 3: Mong manh giữ làng truyền thống

Mặt trái của tái định cư

Bản tái định cư Sì Thâu Chải (xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) là nơi sinh sống của 78 hộ, với gần 300 nhân khẩu đồng bào dân tộc Si La. Từ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của đồng bào Si La ở Sì Thâu Chải đã được nâng lên.

 Bản tái định cư Sì Thâu Chải, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nơi ở mới của người Si La. Bản tái định cư Sì Thâu Chải, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nơi ở mới của người Si La.

Theo ông Hù Chà Hù, Trưởng bản Sì Thâu Chải, người dân nơi đây cơ bản không còn thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm xuống đáng kể. Nếu như ở bản cũ tỷ lệ hộ nghèo gần 100% thì hiện chỉ còn khoảng 30%. Đường giao thông, điện lưới cũng được đầu tư, đưa Sì Thâu Chải gần hơn với cuộc sống hiện đại.

Tuy nhiên, điều mà ông Hù trăn trở là người Si La ở Sì Thâu Chải không còn giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc mình nữa. Ông bảo, ở bản cũ, các gia đình được phép lựa chọn cho mình một khoảng đất độc lập và quy định ranh giới bằng các gốc cây, khe, lạch hoặc mỏm đất, hòn đá; nhà ở chôn mái thấp; làng bản thì được cấu trúc một cách tự nhiên, gần gũi.

“Về đây được cấp nhà tái định cư, bản được quy hoạch theo từng ô thửa, có vườn, không giống cấu trúc truyền thống của người Si La. Cả bản giờ chẳng còn có gia đình nào có nhà ở truyền thống của dân tộc nữa; nhà nào cũng trệt, lợp mái tôn”, ông Hù cho biết.

Ngoài bản Sì Thâu Chải, ở xã Kan Hồ còn có bản Seo Hai cũng là nơi tái định cư tập trung của 60 hộ, với gần 300 nhân khẩu đồng bào Si La. Cũng như ở Sì Thâu Chải, người Si La ở Seo Hai không còn giữ được những nếp nhà truyền thống của mình; cấu trúc làng bản cũng biến dạng theo “quy hoạch” của khu tái định cư Nhà máy Thủy điện Lai Châu.

Cùng với hai bản Sì Thâu Chải và Seo Hai của xã Kan Hồ, đồng bào dân tộc Si La còn sống tập trung tại bản Nậm Sin, thuộc xã Chung Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), với hơn 200 nhân khẩu. Tính chung ở cả 3 bản, cộng đồng dân tộc Si La chỉ còn khoảng 173 hộ/800 nhân khẩu.

Từ nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, cộng đồng dân tộc Si La đã có những thay đổi rõ rệt. Kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS cho thấy, thu nhập bình quân của người Si La đạt xấp xỉ 1,1 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 10 lần so với năm 2005. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa, nhất là những giá trị văn hóa vật thể đã bị mai một, hoặc biến dạng. Đặc biệt, thống kê cho thấy, trong 173 hộ dân tộc Si La hiện nay thì chỉ có 9 hộ còn giữ được nhà ở truyền thống của dân tộc mình.

Bảo tồn khập khiễng

Không chỉ cộng đồng dân tộc Si La mà với những dân tộc rất ít người khác, cấu trúc nhà cửa, làng bản đã bị mai một hoặc biến dạng nghiêm trọng. Thống kê thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS cho thấy, dân tộc Rơ Măm hiện còn khoảng 148 hộ/488 nhân khẩu thì chỉ có 7 hộ còn ở trong ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình. Riêng dân tộc Brâu, trong gần 100 hộ (với khoảng 400 nhân khẩu) thì không còn hộ nào ở trong những ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình.

Sự khập khiễng trong bảo tồn bộc lộ từ những căn nhà của người Ơ-đu ở Tương Dương, Nghệ An. (Ảnh tư liệu) Sự khập khiễng trong bảo tồn bộc lộ từ những căn nhà của người Ơ-đu ở Tương Dương, Nghệ An. (Ảnh tư liệu)

Với 91 hộ đồng bào dân tộc Ơ -đu (sinh sống tập trung ở xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An) thì cũng chỉ còn 14 hộ còn ở trong nhà truyền thống của dân tộc mình. Nhưng đây là những căn nhà bà con dựng thêm, bên cạnh căn nhà “giả nhà sàn” bằng bê tông tại các điểm tái định cư Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ.

Hình ảnh những căn nhà truyền thống của người Ơ-đu được bà con dựng thêm (bằng tranh tre, nứa lá) ngay cạnh căn nhà sàn bằng bê tông cho thấy một sự khập khiễng trong bố trí tái định cư với việc bảo tồn bản sắc văn hóa cho một trong những cộng đồng dân tộc có dân số ít nhất cả nước. Cấu trúc làng bản của người Ơ-đu cũng tương tự như bản bản làng của dân tộc Thái, không có một dấu ấn nổi trội nào để phân biệt.

Một điểm nhấn trong cấu trúc làng bản của cộng đồng DTTS nói chung, các dân tộc rất ít người nói riêng, chính là nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà văn hóa). Trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đây cũng là một tiêu chí “cứng”.

Tuy nhiên, ở nhiều bản làng có cộng đồng dân tộc rất ít người sinh sống, do những tư liệu về kiến trúc nhà sinh hoạt cộng đồng không còn (hoặc áp đặt), những nhà văn hóa theo “mẫu số chung” đã được xây lên, không phù hợp với kiến trúc văn hóa truyền thống của đồng bào. Điều này đã góp thêm vào hành trình làm mất bản sắc của không ít cộng đồng DTTS.

Như chia sẻ của ông Pờ Chà Nga (60 tuổi, dân tộc Si La), người dân ở bản Seo Hai (xã Kan Hồ, Mường Tè, Lai Châu), bản sắc văn hóa của đồng bào Si La đã và đang bị biến dạng đến mức chính người Si La cũng giật mình. Đến cái nhà văn hóa là nơi sinh hoạt cộng đồng cho bà con cũng không phải là nhà 4 gian, 3 cột truyền thống, mà là nhà cấp 4, lợp mái tôn, giống hội trường hội họp hơn điểm sinh hoạt văn hóa. Tình trạng này kéo dài, bản sắc văn hóa của dân tộc Si La sẽ mất hẳn.

Như vậy, làng bản truyền thống cũng như kiến trúc nhà ở của đồng bào các dân tộc rất ít người, về cơ bản đã bị biến dạng; thậm chí ở một số cộng đồng dân tộc đã biến mất. Nhưng hy vọng bảo tồn, phục dựng là vẫn còn bởi hiện vẫn còn một số gia đình gìn giữ được; ngoài ra, những người cao tuổi trong các cộng đồng dân tộc rất ít người lưu giữ những ký ức về làng bản truyền thống của dân tộc mình. Đây là những “tài liệu” đặc biệt quý, nhưng nếu không kịp khai thác thì sẽ chẳng còn.

Hơn lúc nào hết, việc khai thác những tài liệu này phải chạy đua với thời gian. Nhưng để thực hiện được thì cần có những điều chỉnh phù hợp về mặt cơ chế, chính sách. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.