Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn văn hóa truyền thống qua góc nhìn về chính sách đối với nghệ nhân: Khẳng định vai trò quan trọng (Bài 1)

Lê Hường - Ngọc Thu - 09:02, 12/07/2023

Đồng bào các DTTS có một kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, đặc sắc. Trong kho tàng quý báu đó, có nhiều giá trị đang được bảo tồn, phát huy, nhưng cũng không ít giá trị đang đứng trước nguy cơ mai một. Với vai trò vừa là chủ thể sở hữu, vừa giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội, đội ngũ nghệ nhân được cộng đồng đánh giá, nhìn nhận là "những báu vật sống" trong vùng đồng bào DTTS. Do vậy, chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với nghệ nhân, góp phần rất lớn vào việc bảo vệ kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS.

Nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Drinh, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai truyền dạy nghề dệt thổ cẩm dân tộc Ba Na cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Drinh, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai truyền dạy nghề dệt thổ cẩm dân tộc Ba Na cho thế hệ trẻ

Giữ gìn và lan tỏa

Biết dệt từ năm 13 tuổi, Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Drinh (54 tuổi), tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, không những dệt rất giỏi, mà bà còn sáng tạo ra được nhiều loại hoa văn tinh tế làm nên "sức sống", sự độc đáo cho những tấm vải thổ cẩm của người Ba Na.

Nghệ nhân Drinh cho biết: Đối với người Ba Na, dệt thổ cẩm cũng là thước đo khéo léo của mỗi người phụ nữ. Từ hồi còn nhỏ, bà đã bị thổ cẩm cuốn hút nên hay theo mẹ đi tìm nguyên liệu rồi ngồi vào khung cửi sáng tạo ra các họa tiết, hoa văn trên vải thổ cẩm. Mê dệt nên cứ ngồi vào khung cửi là bà quên hết mọi việc xung quanh, chỉ nhập tâm để thỏa sức thể hiện sự sáng tạo qua từng đường nét, sắc màu thổ cẩm.

Do vậy, các sản phẩm thổ cẩm như: Áo, váy, khăn… do Nghệ nhân Drinh dệt luôn có sự khác biệt so với chị em khác. Nhất là những sợi kim tuyến được bà lồng ghép, đan xếp thành những họa tiết phong cảnh khác nhau như núi rừng, nhà rông, chim muông…

Với những cống hiến cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống, năm 2022, nghệ nhân Drinh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh Nghệ nhân Ưu tú. “Tôi rất vui vì được bà con tin tưởng, chính quyền, Nhà nước quan tâm. Đây cũng là nguồn động lực giúp tôi tiếp tục niềm đam mê, trao truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống”, Nghệ nhân Drinh chia sẻ.

Đặc biệt, Nghệ nhân Drinh  cùng với rất nhiều nghệ nhân khác trên mọi miền Tổ quốc, đã và đang có nhiều đóng góp rất lớn trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, có nhiều đóng góp trong việc sưu tầm, bảo tồn nắm giữ loại hình di sản văn hóa và lan tỏa, phát huy các giá trị di sản ấy đến cộng đồng.

Nghệ nhân ưu tú Y Xuyên huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông giữ được bộ chiêng cổ, ché quý và nhiều giá trị văn hóa dân tộc Mnông
Nghệ nhân Ưu tú Y Xuyên huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông giữ được bộ chiêng cổ, ché quý và nhiều giá trị văn hóa dân tộc Mnông

Già Y Xuyên - Nghệ nhân Ưu tú ở bon Ja Răh, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, là một ví dụ. Đứng trước nguy cơ nhiều giá trị văn hóa truyền thống mai một, Nghệ nhân Y Xuyên đã miệt mài đến từng nhà, vận động bà con giữ gìn những vốn quý cha ông để lại, mời gọi thanh niên tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng, dựng cây nêu do già tổ chức. Nhiệt huyết của già đã truyền lửa cho thế hệ trẻ, vực dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Già Y Xuyên bảo: Cách truyền dạy tốt nhất chính là để cho các bạn trẻ trực tiếp thực hành. Vì thế, mỗi khi bon có lễ hội, lễ cúng, già thường huy động thanh niên, trai tráng trong bon đến nhà văn hóa cộng đồng để già giao việc và cùng làm cây nêu. Từ đó, nhiều thanh niên trong bon hiểu được ý nghĩa, cách làm cây nêu của dân tộc mình. 

Đồng thời, khuyến khích, hướng dẫn lớp trẻ tiếp xúc với cồng chiêng. Già bố trí thời gian hợp lý, mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, hát sử thi, đan gùi, làm rượu cần... cho  thế hệ trẻ trong các bon. Già luôn mong muốn, thông qua các lớp truyền dạy sẽ nhắc các thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, truyền thống của cha ông, dân tộc để lại.

Nhờ đó, bon Ja Ráh trở thành điểm sáng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Toàn bon hiện có 10 bộ cồng chiêng, đến nay có 30 - 40 người ở nhiều độ tuổi 20 - 30 biết đánh cồng chiêng, nhiều người biết đan gùi, dệt thổ cẩm, ủ rượu cần truyền thống.

Nghệ nhân ưu tú Y Wuang Hwing (thứ 3 từ trái qua) không chỉ giỏi diễn tấu cồng chiêng, hát sử thi, thuộc nhiều lời nói vần mà còn chỉnh chiêng giỏi
Nghệ nhân Ưu tú Y Wuang Hwing (thứ 3 từ trái qua) không chỉ giỏi diễn tấu cồng chiêng, hát sử thi, thuộc nhiều lời nói vần mà còn chỉnh chiêng giỏi

Nỗ lực trao truyền

Không chỉ giỏi đánh cồng chiêng, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống, Nghệ nhân Ưu tú Y Wuang Hwing ở buôn Tría, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar còn là người hiếm hoi ở Đắk Lắk  có thể hát kể nhiều sử thi của người Ê Đê.

Nghệ nhân Y Wuang Hwing cho biết, từ nhỏ, nghệ nhân đã theo ông ngoại đi dự các lễ hội của buôn làng, xem đánh cồng chiêng, nghe kể khan. Các điệu khan ngấm vào ông quen thuộc, tự nhiên như hơi thở mà suốt mấy chục năm qua, ông vẫn say mê hát kể cho con cháu, mọi người trong buôn nghe. Không chỉ biểu diễn trong nước, nghệ nhân từng được Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đưa đi biểu diễn kể khan trong lễ hội dân gian ở Phần Lan.

“Bây giờ già lớn tuổi rồi, mong muốn lớn nhất, là truyền dạy lại cho lớp trẻ. Ai muốn học già đều sẵn sàng truyền lại. Mỗi khi địa phương mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, kể khan già đều tham gia. Đến nay, già đã truyền dạy nhiều lớp, rất nhiều lứa học trò của già đã là nghệ nhân giỏi”, Nghệ nhân Y Wuang Hwing nói.

Không chỉ Nghệ nhân Ưu tú Y Wuang Hwing, hàng trăm nghệ nhân người đồng bào DTTS ở khắp buôn làng Tây Nguyên vẫn miệt mài gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa, đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể.

Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có 44 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa dân gian. Trong buổi Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể cuối năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kdoh đã nhấn mạnh: Di sản văn hóa là sự hội tụ, kết tinh những giá trị truyền thống được đúc kết từ ngàn đời của một vùng đất, một dân tộc và của toàn nhân loại. Chăm lo bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, là chăm lo sự gắn kết giữa truyền thống, hiện tại và tương lai, chăm lo cốt lõi của bản sắc dân tộc. Ở đó, các nghệ nhân đã có cống hiến hết mình trong công tác giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kdoh cũng nhìn nhận, hiện nay rất nhiều Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân tuổi đã cao. Họ có nhiều năm cống hiến trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc, nhưng nhiều nghệ nhân cuộc sống rất chật vật khó khăn nên sự quan tâm, chăm lo của các tổ chức, các ngành, chính quyền địa phương; cũng như việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ nghệ nhân..., chính là những hoạt động thiết thực, ý nghĩa động viên các nghệ nhân tiếp tục sống với sự đam mê và tận tâm với bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Nội dung này sẽ được phản ánh trong bài báo tiếp theo...

Tin cùng chuyên mục
Nghệ nhân Phú Bình Đồn, Người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận

Nghệ nhân Phú Bình Đồn, Người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận

Người có uy tín Phú Bình Đồn là nghệ nhân dân tộc Chăm tiêu biểu ở thôn Tân Bổn, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam. Ông vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận mời dự Họp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu năm 2024. Nhiều năm qua, ông tâm huyết xây dựng mô hình gia đình nghệ nhân gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Chăm.