Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo vệ di sản qua không gian mạng xã hội

PV - 09:55, 05/04/2019

Tận dụng tính năng kết nối, chia sẻ của mạng xã hội Facebook, một nhóm thành viên yêu di sản văn hóa truyền thống, đứng đầu là nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình, hiện làm việc tại Tạp chí Mỹ thuật Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã lập ra nhóm Đình Làng Việt, với ý tưởng kết nối những người yêu di sản, yêu văn hóa truyền thống họ cùng chung tay bảo vệ di sản Việt.

Chiếu chèo sân đình, tại đình So, Quốc Oai, Hà Nội do nhóm Đình Làng Việt tổ chức. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng Chiếu chèo sân đình, tại đình So, Quốc Oai, Hà Nội do nhóm Đình Làng Việt tổ chức. Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng

Ngôi nhà của những người yêu di sản

Năm 2014, trong khi thực hiện Đề án nghiên cứu giá trị văn hóa đình làng Việt, qua các chuyến điền dã, anh Nguyễn Đức Bình đã tìm hiểu thực tế, gặp gỡ nhiều đồng nghiệp, người yêu văn hóa truyền thống, nhận thấy sự cần thiết phải lan tỏa những giá trị của ngôi đình làng Việt nên anh đã có sáng kiến thành lập ra Câu lạc bộ Đình Làng Việt trên Facebook.

Đây là cộng đồng những người yêu di sản văn hóa, lấy ngôi đình làng làm trung tâm với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua ngôi đình làng của người Việt. Những thông tin, kiến thức về đình làng như: kiến trúc, chạm khắc trang trí và những kiến thức về lịch sử văn hóa xung quanh mỗi ngôi đình được các thành viên chia sẻ ban đầu của nhóm Đình Làng Việt đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Từ 2014 đến nay, số lượng thành viên của nhóm đã lên đến gần 15. 000 người. Họ là những người đang sinh sống cả ở trong và ngoài nước, làm đủ mọi ngành nghề, thuộc nhiều thành phần xã hội nhưng đều có chung một tình yêu với văn hóa đình làng, với di sản của người Việt. Từ các thành viên, những hình ảnh đẹp, cùng những thông tin về các ngôi đình cổ trong cả nước, nhiều bài viết, cuốn sách quý về đình làng cũng được mọi người đưa lên.

Với tính năng kết nối vô cùng tiện lợi của mạng xã hội Facebook, những thành viên của Đình Làng Việt ở khắp mọi miền Tổ quốc để chia sẻ, trao đổi thông tin về từng ngôi đình, từng di tích cụ thể. Đặc biệt, chuyến điền dã đầu tiên của Câu lạc bộ Đình Làng Việt ngày 2/11/2014 đã đánh dấu bước chuyển mình trong hoạt động của Câu lạc bộ từ không gian ảo, tới đời sống thật.

Để từ đó, những biến tướng, ngoại lai trong kiến trúc, các cuộc trùng tu, xây mới đã được phát hiện bởi những thành viên có chuyên môn. Các thành viên Đình Làng Việt có cơ sở phối hợp, tư vấn cho các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý có biện pháp khắc phục, bảo tồn, “cứu” không ít những ngôi đình làng, di sản có nguy cơ bị “xóa sổ” hoặc bị “tô vẽ” không phù hợp

Góp sức bảo tồn di sản

Anh Nguyễn Đức Bình chia sẻ, thời gian gần đây, với việc tổ chức các chuyến điền dã thường xuyên hơn đã giúp các thành viên được tiếp cận trực tiếp với di sản, được bàn luận, tìm hiểu về giá trị kiến trúc, văn hóa… và những vấn đề ngoài ngôi đình làng. Qua thông tin, góp ý, chia sẻ của nhóm Đình Làng Việt, những “vết đen” về trùng tu, tôn tạo, trùng tu di tích, kiến trúc giảm hẳn.

Minh chứng năm 2015, nhóm Đình Làng Việt đã giải quyết sự việc tại đình Hồi Quan, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) hồi 2015. Sư tử đá không phải là linh vật của di tích nhưng lại được bày biện, ban thờ đá, lư hương đặt chắn tâm đạo của đình, nơi vốn để dân làng đứng hành lễ, những vật này đều do các thành viên hội đồng niên hằng năm cung tiến.

Trước thực tế này, thành viên của nhóm, trực tiếp là nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế và anh Nguyễn Đức Bình đã phải trình bày trước các bậc trưởng lão, đại diện của chính quyền bằng cơ sở khoa học, hiểu biết về lịch sử, văn hóa, thậm chí thành ý về vấn đề tâm linh…, qua đó địa phương, các ban, ngành đoàn thể, các bậc cao niên đã hiểu ra và đồng thuận cho phép di dời hiện vật lạ, linh vật ngoại lại trước sự chứng kiến của dân làng.

Thông qua nhiều hoạt động, nhóm Đình Làng Việt đã ngẫu nhiên xác lập vị thế “giám sát” đầy hiệu quả trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích. Nhiều dự án trùng tu, tôn tạo di tích sau đó đã được những chuyên gia của Đình Làng Việt tư vấn, như dự án Hậu Yên Thế, Trần Trọng Dương, Nguyễn Hoài Nam…

Không dừng lại ở những ngôi đình, những di sản kiến trúc của cha ông. Sau gần 5 năm hoạt động, đến nay, nhóm Đình Làng Việt đã tham gia vào nhiều lĩnh vực khác của di sản như: những hoạt động biểu diễn, giao lưu hát xẩm, ca trù, hát văn…

Thời gian qua, nhóm Đình Làng Việt còn nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động văn hóa, xã hội như: Triển lãm đình làng Việt: Những điều còn-mất; Tái hiện Tết Trung thu truyền thống tại Bảo tàng Hà Nội; Tái hiện không gian Tết Việt xưa tại đình làng So, một ngôi đình cổ ở ngoại thành Hà Nội, vào dịp Tết Nguyên đán 2018 và tại đình Lệ Mật (quận Long Biên, Hà Nội) trong những ngày Xuân Kỷ Hợi 2019… Những hoạt động này, đã góp phần không nhỏ tôn vinh, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nhiều di sản văn hóa gắn với không gian văn hóa đình làng, không gian văn hóa truyền thống của người Việt.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).