Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa: Cần được cụ thể hóa từ Luật

Minh Thanh - 09:51, 08/11/2022

Bảo vệ người tiêu dùng (NTD), nhất là các đối tượng tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế là trách nhiệm của toàn xã hội. Bởi thực tế, đó là những người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Từ điều ấy, việc bảo vệ quyền lợi NTD, cần được cụ thể hóa bằng luật định với những đặc thù nhất định mới đủ cơ sở hành lang pháp lý để thực thi.

Lực lượng chức năng Quảng Trị kiểm tra hàng hóa khu vực biên giới
Lực lượng chức năng Quảng Trị kiểm tra hàng hóa khu vực biên giới

Người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng vì hàng giả, hàng kém chất lượng

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có hiệu lực đã quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của NTD; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với NTD; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi NTD; giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD.

Tuy nhiên, không ít NTD vẫn bị xâm phạm quyền lợi, trước tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch... hoặc do NTD chưa quan tâm, tìm hiểu để tự bảo vệ mình...

 Đặc biệt, NTD ở vùng sâu, vùng xa với những đặc thù nhất định về hạn chế thông tin, hiểu biết chưa đầy đủ, nhận thức hạn chế, khó khăn về điều kiện sống… thì càng đứng trước nguy cơ bị xâm hại cao và ít được bảo vệ.

Ông Hà Văn Thủy, dân tộc Thổ, ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho hay: tôi thấy nhiều người chở hàng rong, bày bán công khai ở lề đường, trước cổng chợ. Hàng hóa như quần áo, rổ rá nhựa…, cũng thấy dán tem nhãn nhưng chất lượng và nguồn gốc thế nào thì tôi cũng không nắm được. Và những mặt hàng này có đảm bảo chất lượng, có gây nguy hại hay không thì ai quản lý?

Lực lượng chức năng Quảng Trị ngăn chặn vận chuyển hàng hóa thẩm lậu qua biên giới
Lực lượng chức năng Quảng Trị ngăn chặn vận chuyển hàng hóa thẩm lậu qua biên giới

Có một thực tế hiện nay, tại vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, các đối tượng thường tổ chức các chương trình lớn, hướng vào đối tượng là người già, người kém hiểu biết để buôn bán các mặt hàng kém chất lượng. Thậm chí, nhiều cửa hàng, đại lý còn đưa những mặt hàng không rõ nguồn gốc, hoặc chất lượng kém trộn lẫn cùng nhiều mặt hàng khác để bày bán, quảng bá… nhằm đánh lừa, gây thiệt thòi đến quyền lợi NTD

Theo Cục Quản lý thị trường Quảng Trị, trong 6 tháng đầu năm 2022 ở khu vực biên giới, đơn vị đã tịch thu được hơn 32 tấn đường cát nhập lậu, xử phạt và tịch thu đối với mặt hàng đường cát 522 triệu đồng. Điển hình trong công tác kiểm tra đột xuất là các vụ việc như bắt giữ 1.975 bộ kit test với trị giá gần 120 triệu đồng và bắt giữ 02 vụ và tiêu hủy 1.400 kg sản phẩm động vật không đảm bảo ATTP và vệ sinh thú y và phát hiện, xử lý một số vụ hàng giả mạo nhãn hiệu trị giá hàng trăm triệu đồng.

Giả sử, lô hàng này “lọt tay” đến với NTD ở các địa bàn biên giới thì hậu quả sẽ như thế nào? Chỉ có thể là sức khỏe, chất lượng cuộc sống, tâm lý bị ảnh hưởng rất nhiều.

Cần phải nói công bằng là, việc bị ảnh hưởng đến quyền lợi, còn một phần nguyên nhân đến từ NTD. Đó là tâm lý e ngại kiến nghị, phản ánh, khiếu nại tới cơ quan chức năng khi quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại. Tâm lý NTD còn dễ dãi trong lựa chọn mua hàng, tạo cơ hội và “đất sống” cho hàng hóa kém chất lượng xuất hiện.

Vấn đề sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Vấn đề sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Cần được cụ thể hóa bằng luật định với những đặc thù nhất định

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, khi bàn đến Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, nhiều đại biểu đã đồng ý nhất trí sửa đổi luật.

Theo Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH Lai Châu), dự thảo Luật có thiết kế Điều 7 về “bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương”. Đây là một quy định cần thiết vì NTD dễ bị tổn thương, là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, những người vùng sâu, vùng xa, những người yếu thế, người già sẽ thực hiện rất khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch mua bán.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị, nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm NTD dễ bị tổn thương; đồng thời, cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.

 Cần phải nói rõ là, NTD ở vùng sâu, vùng xa đa phần là người nghèo, hộ cận nghèo, có điều kiện sống khó khăn… thế nên, việc nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp theo luật là rất đáng hoan nghênh, là cần thiết.

ĐBQH, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên thảo luận
ĐBQH, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu thảo luận

Trong ý kiến của mình Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) nhận định: pháp luật hiện hành chưa có những quy định liên quan đến vấn đề bảo vệ NTD yếu thế. Để NTD yếu thế thực sự được bảo vệ tốt hơn, cần giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này. Mà NTD yếu thế là những ai? Ý kiến này là “manh nha”, khởi nguồn để những NTD ở vùng sâu, vùng xa… - nhóm đối tượng có hạn chế về thông tin, nhận thức, được xếp vào danh sách ấy.

Bên cạnh đó, luật bảo vệ quyền lợi NTD chưa quy định rõ quy trình xử lý khiếu nại của NTD khi bị xâm hại, hay các quy định của pháp luật về hợp đồng giao kết với NTD, hợp đồng theo mẫu chưa đảm bảo quyền lợi của NTD, thường bị doanh nghiệp áp đặt, gây bất lợi cho NTD. Với những NTD ở vùng sâu, vùng xa thì điều này càng dễ xảy ra và xảy ra thường xuyên do nhận thức, trình độ, hiểu biết hạn chế; do thiếu thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, sai lệch…

Rõ ràng, việc sửa đổi, bổ sung luật bảo vệ quyền lợi NTD, nhất là với những đối tượng có tính đặc thù là thực sự cần thiết. Bởi hiện nay, “lỗ hổng” từ luật đang được các đối tượng tận dụng triệt để để trục lợi, thu lợi bất chính từ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài việc sửa đổi luật, các cơ quan nhà nước cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, để tránh tình trạng số lượng cá nhân hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ rất lớn, nhưng nhiều hộ gia đình, người kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh, không có địa điểm cụ thể, các hồ sơ hàng hóa liên quan thường không đảm bảo… gây khó khăn cho kiểm tra, xử phạt khi phát sinh trường hợp quyền lợi NTD bị ảnh hưởng. Đáng chú ý, cần phải có một hành lang pháp lý chặt chẽ và một chế tài đủ mạnh để bảo vệ bí mật thông tin NTD để tránh các hành vi gian lận thương mại, thao túng thị trường, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Chừng nào, quyền lợi cơ bản của NTD, nhất là các đối tượng đặc thù ở vùng sâu, vùng xa vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe, an toàn và tính mạng của người tiêu dùng; thì chừng đó, không chỉ chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.