Toàn cảnh hội thảo. Ảnh:TLSáng 21/5, tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới:Tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững”.
Hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của ông Lazare Eloundou Assomo - Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới; Thứ trưởng Bộ VHTTDLHoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà.
Hội thảo có sự tham dự của Văn phòng UNESCO Hà Nội, lãnh đạo bộ ngànhtrung ương, UBND các địa phương sở hữu di sản, các ban quản lý di sản thế giớitại Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực Lịch sử, Khảocổ, Bảo tồn, Bảo tàng, Di sản… và đại diện cộng đồng
Hội thảo là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bản ghi nhớ Hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo.Ảnh:TLTheo Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, cộng đồng địa phương không chỉ là những người hưởng lợi từ việc bảo tồn di sản mà còn là bên liên quan chính và là người giám hộ các giá trị này.
Lấy cộng đồng làm trung tâm nghĩa là cho phép người dân địa phương tham gia vào quá trình ra quyết định, tổ chức các hoạt động văn hóa và hưởng lợi về mặt kinh tế và xã hội từ các sáng kiến liên quan đến di sản. Điều này bảo đảm tính bền vững lâu dài, cũng như phát triển kinh tế cho địa phương.
Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Các di sản đều được bảo vệ, phát huy giá trị hiệu quả. Riêng năm 2024, 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 14,9 triệu khách du lịch.
Ngày 23/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa, góp phần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về di sản văn hóa. Hiện Chính phủ chuẩn bị ban hành 3 Nghị định nhằm cụ thể hóa các vấn đề được nêu ra trong Luật Di sản văn hóa.
Đối với quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị, những năm qua, Việt Nam đã tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình này một cách chủ động, tích cực với nhiều hình thức khác nhau.
Giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long.Ảnh:TLĐiển hình như Hoàng thành Thăng Long trở thành không gian tổ chức hàng loạt các hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho học sinh.
Tại Hội An, người dân được hỗ trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo những ngôi nhà có giá trị. Trong khi đó, tại Vịnh Hạ Long, nhiều giá trị văn hóa, sinh hoạt của cộng đồng dân cư sống trong vùng di sản được khai thác trong phát triển du lịch.
Tại Phong Nha-Kẻ Bàng, người dân được trả tiền công để tham gia bảo vệ rừng, được khai thác một số loại lâm sản để phục vụ cuộc sống…
Ngoài ra, tại nhiều khu vực, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân cư sống trong vùng di sản được bảo tồn, khai thác, phát huy để phát triển kinh tế…
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước, sở hữu di sản trong việc phát huy giá trị di sản thế giới phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân.
Trong dịp này, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra, tư vấn về chuyên môn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới trong phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng và chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế.
Các nhà khoa học đã đề xuất một số kiến nghị cho công tác quản lý di sản như: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.