Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ninh Thuận khai thác giá trị văn hoá Chăm để phát triển du lịch

Thái Sơn Ngọc - 10 giờ trước

Tỉnh Ninh Thuận có nhiều di sản văn hóa Chăm đặc sắc thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng nét đẹp các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Với mục tiêu xây dựng vùng đất nắng gió trở thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn, địa phương đã quan tâm quảng bá di tích lịch sử, kiến trúc đền tháp, các lễ hội gắn với làng nghề truyền thống và các Bảo vật quốc gia của đồng bào Chăm. Đặc biệt chương trình dân ca dân vũ độc đáo trở thành điểm nhấn quan trọng thu hút du khách đến với Ninh Thuận.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, tháng 11/2022.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, tháng 11/2022

Trong chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 50 Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Triển lãm giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội địa phương và Di sản văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận có 80 di sản được lập hồ sơ và xếp hạng, trong đó có 1 di sản được UNESCO ghi danh là Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tỉnh Ninh Thuận có 2 di tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt là tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai. Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận còn có tháp Pô Rômê là di tích lịch sử, kiến trúc cấp quốc gia. Lễ hội Katê của người Chăm và Nghi lễ đầu năm của người Chăm ở Bỉnh Nghĩa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Các vị chức sắc và đồng bào Chăm rất tự hào khi tỉnh Ninh Thuận có 4 hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia, gồm có phù điêu Pô Rômê được thờ tại tháp Pô Rômê; tượng Pô Klong Garai được thờ tại tháp Pô Klong Garai; bia Hòa Lai và bia Phước Thiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Lễ hội Katê là di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn được tổ chức vào đầu tháng bảy Chăm lịch hằng năm, thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của người dân với các vị thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, Nhân dân được mạnh khỏe, bình yên, ấm no, hạnh phúc. Ngày 20/6/2017, Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phù điêu vua Pô Rômê được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia tháng 12/2020.
Phù điêu vua Pô Rômê được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia tháng 12/2020


Tượng thờ vua Pô Klong Garai được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, tháng 1/2024
Tượng thờ vua Pô Klong Garai được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, tháng 1/2024

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng vừa phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2025-2030 vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng. Mục tiêu của Đề án nhằm bảo tồn các nghi thức, nghi lễ, nghệ thuật trình diễn, trang phục truyền thống, nhạc cụ, cùng các di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với Lễ hội Katê. Theo đó, nhiều hoạt động cụ thể sẽ được triển khai như phục dựng, tổ chức Lễ hội Katê định kỳ tại các điểm di tích tiêu biểu tháp Pô Klong Garai, tháp Pô Rôme; hỗ trợ nghệ nhân, duy trì hoạt động các làng nghề truyền thống phục vụ lễ hội; lồng ghép nội dung lễ hội vào chương trình học đường và hoạt động du lịch…

Cả sư Đổng Bạ, Phó Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn, trụ trì tháp Pô Klong Garai vui mừng nói: “Pô Klong Garai là vị vua có nhiều công lao trong việc khẩn hoang đồng ruộng, dẫn thủy nhập điền, chăm lo nâng cao đời sống người dân. Đồng bào Chăm xây dựng tháp trên đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh để tôn thờ Pô Klong Garai dưới dạng Mukhalinga. Tượng thờ vua Po Klong Garai được bảo vệ nghiêm ngặt phục vụ tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm và du khách. Phù điêu tượng vua Pô Rômê và hai tấm bia cổ được tìm thấy ở cánh đồng Phước Thiện thuộc huyện Ninh Phước và ở tháp Hòa Lai thuộc huyện Thuận Bắc cũng đã được Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia. Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn tuyên truyền, vận động bà con tín đồ chung tay cùng chính quyền địa phương và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa bền vững, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào Chăm, phục vụ tốt nhu cầu phát triển du lịch của địa phương, đưa ngành Du lịch tăng trưởng nhanh, bền vững.

Bia Hòa Lai được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, tháng 12/2020.
Bia Hòa Lai được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, tháng 12/2020
Bia Phước Thiện được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, tháng 1/2024.
Bia Phước Thiện được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, tháng 1/2024

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2025 vừa qua, chúng tôi chứng kiến đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng Di tích văn hóa đặc biệt và Bảo vật quốc gia tại tháp Pô Klong Garai. Ông Lê Xuân Lợi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa dân tộc và Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.200 - 1.500 lượt khách đến tham quan quần thể tháp Pô Klong Garai. Đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ nhân đồng bào Chăm biểu diễn được du khách yêu thích, khen ngợi.

Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc phấn khởi cho biết: “Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, HTX đón rất đông du khách đến tham quan, mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt khách. Đây là kỳ nghỉ lễ có số lượng khu khách đến với làng gốm Bàu Trúc đông nhất từ trước tới nay. Sản phẩm gốm được tiêu thụ mạnh, tăng thu nhập cho lao động làng nghề Bàu Trúc với Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.

Tháp Hòa Lai được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, tháng 12/2016.
Tháp Hòa Lai được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, tháng 12/2016
Tháp Pô Klong Garai được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, tháng 12/2016.
Tháp Pô Klong Garai được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, tháng 12/2016

Năm 2024, Ninh Thuận thu hút 3,46 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 19,3% so với năm 2023, đạt 108,1% so kế hoạch; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 3.900 tỷ đồng. Trong 3 tháng đấu năm 2025, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh ước đạt 890.000 lượt khách, tăng 11,25% so cùng kỳ, đạt 24,7% so kế hoạch; trong đó, khách quốc tế ước đạt 63.000 lượt khách, tăng 168,1% so cùng kỳ; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 1.060 tỷ đồng, đạt 23,5% so kế hoạch năm. Trong tháng 4/2025, tỉnh Ninh Thuận đón khoảng 390.000 lượt du khách, tổng thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 490 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, toàn tỉnh đón 215.000 lượt khách, tăng 43,3% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 320 tỷ đồng...

Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tháng 6/2017.
Lễ hội Katê của người Chăm Ninh Thuận được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tháng 6/2017

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, toàn ngành tập trung thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh bảo đảm bền vững. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cá nhân vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch. Phát huy giá trị của các di sản văn hóa Chăm gắn với phát triển du lịch bền vững, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉnh Ninh Thuận đón trên 3,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn tỉnh. 


Tin cùng chuyên mục
Niềm vui bên khung dệt

Niềm vui bên khung dệt

Hiện nay, trên địa bàn khu vực miền núi tỉnh Bình Định còn 2 làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS, là Hà Văn Trên, huyện Vân Canh và Hà Ri, huyện Vĩnh Thạnh đang hoạt động. Triển khai Dự án 6 "Bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã dành nhiều sự quan tâm để đầu tư phát triển 2 làng nghề trở thành điểm du lịch cộng đồng, tiếp thêm động lực cho những nghệ nhân yên tâm giữ nghề.