Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

“Bắt cóc Online”: Từ cú điện thoại đến hiểm họa khôn lường

Hồng Phúc - 18:02, 28/07/2025

Trong thời đại số, mạng xã hội không chỉ là công cụ kết nối mà còn trở thành nơi ẩn nấp lý tưởng cho những kẻ có hành vi xâm hại, bắt cóc trẻ em. Chỉ với vài tin nhắn làm quen, một cuộc gọi Video, hay lời hứa hẹn ngọt ngào, nhiều đứa trẻ đã tự ý rời khỏi nhà để gặp người lạ. Những kẻ bắt cóc giờ đây không cần rình rập ngoài cổng trường, bởi chúng đã có “chìa khóa” tiếp cận nạn nhân ngay từ chiếc điện thoại.

Nữ sinh Q. thời điểm được Công an TP HCM giải cứu khi đang tự nhốt mình vì tưởng đang phối hợp với Cơ quan Công an.
Nữ sinh Q. thời điểm được Công an TP.HCM giải cứu khi đang tự nhốt mình vì tưởng đang phối hợp với cơ quan Công an

 Bắt cóc không cần chạm mặt

Tối 25/7, Đội Đặc nhiệm - Đội 2, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM đã tìm thấy nữ sinh ở một khách sạn trong trạng thái hoảng loạn, đưa về nhà. 

Được biết, trưa cùng ngày, mẹ nữ sinh này đã đến Công an phường Hòa Hưng (TP.HCM) trình báo con gái mất liên lạc sau khi nghe điện thoại của người lạ và xin ra ngoài. Vài giờ sau, tài khoản Zalo của nữ sinh nhắn về nói cô bị “giang hồ” bắt cóc, chuẩn bị đưa sang Campuchia, yêu cầu gia đình chuyển 150 triệu đồng tiền chuộc. Người mẹ hoảng sợ, chuyển trước 17 triệu đồng nhưng không được gặp con.

Trước đó, nữ sinh bị một đối tượng giả danh công an gọi điện, dọa rằng thông tin cá nhân của em bị lộ, liên quan đến vụ rửa tiền. Để chứng minh vô tội, em phải chuyển tiền và giữ bí mật tuyệt đối. Các đối tượng yêu cầu nữ sinh liên tục thay đổi chỗ ở, thuê khách sạn một mình để dễ kiểm soát.

Còn nhớ vụ việc ngày 22/7, Công an phường Ô Chợ Dừa, TP. Hà Nội, đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo, giả danh Công an đe dọa 1 nữ sinh nhằm thực hiện việc "bắt cóc Online".

Theo đó, ông L.H.T. đã trình báo công an về việc cháu họ ông là cháu M. (SN 2006; sinh viên đại học) bị bắt cóc, tống tiền. Ông T. cho biết, khoảng 10 giờ cùng ngày, mẹ của cháu ở quê gọi điện cho ông thông báo về việc cháu M. gọi về gia đình qua Zalo cho biết, mình bị bắt cóc và cho xem Video trên người cháu có nhiều vết thương. Theo cháu M., gia đình phải chuyển khoản 370 triệu đồng cho các đối tượng, nếu không M. sẽ bị "chặt ngón tay".

Chỉ sau khoảng 1 giờ nhận tin báo, Công an phường Ô Chợ Dừa đã nhanh chóng tìm được em M. đang ở một mình tại một khách sạn trên đường La Thành và đưa về trụ sở để làm rõ. Tại cơ quan Công an, em M. cho biết bị một nhóm người tự xưng Công an gọi điện thông báo em M. liên quan đến hoạt động rửa tiền và buôn bán chất cấm. 

Các đối tượng yêu cầu em phải chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra. Do em M. không có tiền, các đối tượng hướng dẫn em phải tìm chỗ kín đáo để vẽ lên mặt, người các vết thương giống như bị đánh gây ra, rồi liên hệ về gia đình báo mình bị bắt cóc và yêu cầu gia đình chuyển tiền chuộc mới được thả.

Trẻ em nước ta có điện thoại sớm hơn 4 năm so với trẻ em trên thế giới.
Trẻ em nước ta có điện thoại sớm hơn 4 năm so với trẻ em trên thế giới

Hai vụ việc kể trên chỉ là lát cắt nhỏ trong hàng loạt chiêu thức “bắt cóc Online” đang âm thầm lan rộng, với kịch bản ngày càng tinh vi. Nạn nhân chủ yếu là học sinh, sinh viên - những người chưa có đủ kỹ năng tự vệ trên môi trường số, dễ tin người, dễ hoảng loạn khi bị dọa dẫm.

Theo khảo sát của Google thực hiện 2022, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại di động là 9, trên thế giới là 13. Nghĩa là trẻ em nước ta có điện thoại sớm hơn 4 năm so với trẻ em trên thế giới. Những con số này, là hồi chuông cảnh báo về mức độ tiếp xúc sớm và thường xuyên của trẻ với không gian mạng nơi tiềm ẩn hàng loạt cạm bẫy nguy hiểm.

Không gian mạng an toàn cho trẻ - Trách nhiệm không của riêng ai

Từ thực tế, có thể thấy, đối tượng bị nhắm tới phần lớn là học sinh, sinh viên và người trẻ ít kinh nghiệm sống. Các em dễ bị tổn thương hơn nếu thiếu sự quan tâm từ gia đình, có tâm lý nổi loạn hoặc từng bị lạm dụng. Với đặc điểm tâm lý tuổi mới lớn, các em rất tò mò, thích khám phá nhưng thiếu kinh nghiệm sống và kỹ năng nhận diện nguy cơ. Trong khi đó, nhiều gia đình lại buông lỏng giám sát, gần như “giao phó con cho điện thoại thông minh” mà không hề biết con đang nói chuyện với ai.

Sức hút từ thế giới ảo - nơi có thần tượng, bạn bè, người lạ luôn sẵn sàng lắng nghe - khiến không ít trẻ sống thu mình, giấu bí mật với cha mẹ, trong khi lại dễ mở lòng với người lạ. Đó chính là kẽ hở để tội phạm công nghệ thâm nhập và thao túng.

Thượng tá, Tiến sỹ Đào Trung Hiếu trong một buổi chia sẻ với trẻ em về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu trong một buổi chia sẻ với trẻ em về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn

Điểm đáng lo ngại không chỉ nằm ở việc trẻ bị dụ ra khỏi nhà, mà còn ở việc chính các em trở thành công cụ để lừa lại người thân - quay Video giả vết thương, đọc lời khai theo kịch bản, nói dối cha mẹ về tình trạng của mình. Từ chỗ là nạn nhân, các em bị “điều khiển từ xa”, hoàn toàn mất kiểm soát, bởi niềm tin rằng mình đang “bị điều tra” hoặc “liên quan tội phạm”.

Về hiện tượng này, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu phân tích, hiện nay, các vụ "bắt cóc Online" không còn đơn thuần là những lời dụ dỗ ngây ngô qua tin nhắn, mà đã được “nâng cấp” thành các kịch bản tinh vi, kết hợp giữa công nghệ cao và thao túng tâm lý. Tội phạm có thể giả danh người quen trên mạng xã hội để rủ trẻ đi chơi, rồi thực hiện hành vi bắt cóc ngoài đời thật.

Chúng cũng thường xuất hiện dưới vỏ bọc người nổi tiếng trong Game, Livestream, hứa tặng quà hay vật phẩm ảo để lôi kéo nạn nhân gặp mặt trực tiếp. Gần đây, hình thức giả mạo cuộc gọi Video, sử dụng Deepfake, thậm chí giả giọng khóc để đe dọa cha mẹ, tạo ra các tình huống "con bị bắt cóc" rồi tống tiền, dù thực tế không hề có vụ bắt cóc đang ngày càng phổ biến.

Ngoài ra, một số đối tượng còn dẫn dụ trẻ em vào các nhóm kín như Telegram, Discor... để làm quen, kiểm soát và thao túng, dần dần đưa các em rời khỏi vòng kiểm soát của gia đình.

Để phòng ngừa loại tội phạm này, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu cho rằng, trước hết gia đình cần thiết lập sự gắn bó và tin tưởng với con cái, tránh để trẻ cô đơn trong thế giới số. Trẻ cần được trang bị kỹ năng nhận diện rủi ro trên mạng, cách từ chối và cầu cứu người lớn khi cần thiết. Nhà trường cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, bằng việc đưa giáo dục kỹ năng số vào các buổi sinh hoạt lớp, tổ chức chuyên đề với Công an hoặc chuyên gia. 

Đồng thời, việc phát hiện sớm những học sinh có dấu hiệu lệ thuộc mạng xã hội, sống khép kín cũng rất quan trọng. Về phía cơ quan chức năng, cần tăng cường truy vết, xử lý các đường dây lừa đảo trẻ em qua mạng, đồng thời phối hợp với các nền tảng số để kiểm soát nội dung, cảnh báo rủi ro và giới hạn độ tuổi truy cập một cách thực chất.

Có thể thấy  "bắt cóc Online" không còn là một khái niệm mơ hồ, mà là hiểm họa có thật, tinh vi và khó lường. Trẻ em với sự non nớt và nhạy cảm sẽ tiếp tục là nạn nhân nếu không được trang bị “lá chắn số” vững vàng từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội.