Thị trường quen thuộc nhưng vẫn đầy sức hút
Từ cách đây 15 năm, khu vực phía tây đã được xác định là cực tăng trưởng lớn nhất của Hà Nội. Chính vì thế, cách đây 10 năm khi Hà Tây sát nhập Hà Nội khu vực này ngay lập tức đã lên cơn sốt, giá tăng vụt, nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền. Tuy nhiên sau đó gặp đúng giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, cơn sốt bắt đầu hạ nhiệt, giá quay đầu lao dốc.
"Trong suốt gần 1 thập kỷ qua, dường như khu vực phía tây Hà Nội bị nhà đầu tư lãng quên. Hàng nghìn nhà đầu tư Hà Nội đổ đi các tỉnh, đặc biệt vào TP.HCM khiến giá đất tại đây tăng mạnh. Suốt 10 năm qua giá nhà đất tại khu vực phía tây chỉ ở mức tăng nhẹ, thậm chí có những khu vực sau 10 năm, giá vẫn thấp hơn thời kỳ sốt đất 2007-2008", ông Trần Như Trung - một chuyên gia lâu năm trên thị trường bất động sản cho biết.
Đến năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, làn sóng nhà đầu tư từ các tỉnh đổ về, khu vực họ nhắm đến đầu tiên là phía tây Hà Nội bởi nơi đây đang chứng kiến sự bứt tốc mạnh mẽ của hạ tầng giao thông khi hàng loạt công trình, dự án hạ tầng, tiện ích vui chơi, giải trí liên tiếp được đầu tư. Cùng với đó, khu tây cũng trở thành miền đất hứa cho nhà đầu tư khi các thông tin về quy hoạch của khu vực như việc Hoài Đức, Đan Phượng chuẩn bị lên quận.
Cơ hội “đón sóng” tăng giá
Thống kê của 10 sàn bất động sản cho thấy nhà đầu tư đã lãi từ 20-50% nếu mua nhà đất tại các khu vực Vạn Phúc, Đại Mỗ, Nam An Khánh, Bắc An Khánh trong vòng hơn 1 năm vừa qua. Cá biệt có nhà đầu tư đã nhân đôi tài khoản khi xuống tiền mua biệt thự, liền kề, shophouse vào thời điểm đầu năm 2018 và chốt lời đầu năm 2021. Xa hơn về khu vực Thạch Thất, Quốc Oai lên đến tận Ba Vì, Chương Mỹ, Hòa Lạc, Hòa Bình nhà đầu tư vừa mua xong sang tay đã kiếm lời.
Lý giải nguyên nhân khiến nhà đất phía tây Hà Nội tăng giá mạnh trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nhu cầu của các nhà đầu tư và khách hàng hiện đang rất lớn, trong khi đó thị trường bất động sản hiện đang thiếu vắng nguồn cung các sản phẩm mới do điểm nghẽn về pháp lý. Đó chính là lý do khiến khu vực phía tây nóng sốt, đặc biệt là phân khúc biệt thự, shophouse, liền kề.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh - phát triển dự án, đại diện Him Lam Land cho biết: “Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, dòng tiền đổ vào bất động sản phía tây gia tăng mạnh mẽ. Sức mua vì thế cũng tăng theo. Nếu như giai đoạn 2018-2019 các dự án nhà ở thấp tầng trong khu đô thị thanh khoản trầm lắng, giá gần như đứng im thì đến năm 2020 giao dịch bắt đầu tăng trở lại. Gần cuối năm 2020 giao dịch tăng đột biến, điển hình dự án Shophouse Him Lam Vạn Phúc ghi nhận mức thanh khoản kỷ lục lên chỉ sau vài tháng mở bán. Có giai đoạn cháy hàng khi giỏ hàng mới chưa kịp ra”.
“Nhiều người đầu tư shophouse Him Lam Vạn Phúc đợt đầu hiện đã sắp được nhận bàn giao để vào kinh doanh hoặc nếu bán ra đã có thể chốt lời tiền tỷ. Có thể nói, chưa bao giờ thị trường khu tây lại khát nguồn cung mới shophouse, liền kề, biệt thự như hiện nay bởi trong suốt 2 năm qua cả khu vực số lượng dự án thấp tầng ra hàng gần như không có”, vị này cho biết thêm.
Đánh giá về thị trường bất động sản phía tây Hà Nội liên tục sôi động trong thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng khu vực này có tiềm năng hơn cả vì hạ tầng đầy đủ, kéo cư dân lao động nước ngoài làm việc ở đây khá đông, tạo ra sự nhộn nhịp hơn hẳn so với các khu vực còn lại. Chính vì thế, sự phát triển của bất động sản phía Tây là tất yếu.
Cùng với đó, do khan hiếm nguồn cung cũ, cộng với nhu cầu mua an cư lẫn đầu tư tăng cao đang đẩy giá khu vực này thiết lập mặt bằng giá mới. So với đầu năm 2020, giá đã tăng khoảng 30%. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức tăng này vẫn còn khá thấp và sẽ tiếp tục tăng tiếp bởi hiện nay việc giãn dân cư về khu vực tây Hà Nội đang diễn ra nhanh chóng khi những đại đô thị quy mô lớn đã và đang tạo nên khu trung tâm mới, tạo sức bật lớn cho thị trường bất động sản chung của khu vực.