Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bát nháo thị trường giống cây trồng

PV - 11:06, 09/03/2018

Do sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng nên nhiều năm nay thị trường giống cây trồng trên địa bàn Tây Nguyên trở nên hỗn loạn.

Dân chịu thiệt thòi

Từ lâu, thương hiệu giống cây trồng Ea Kmat do Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Viện Ea Kmat) sản xuất đã nổi tiếng khắp vùng bởi quy trình sản xuất chặt chẽ, chất lượng thường xuyên được kiểm định và giá cả phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, người dân khó mà mua được giống cây trồng chính hãng.

Người dân tấp nập mua bán giống cây trồng. Người dân tấp nập mua bán giống cây trồng.

 

Có mặt tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), nơi đóng chân của Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, chúng tôi ghi nhận hoạt động mua bán giống cây trồng ở đây rất tấp nập. Tuy nhiên, trong bán kính 3 km quanh Viện cũng có rất nhiều cửa hàng giống cây trồng đề thương hiệu “giống cây trồng Ea Kmat”, nên người dân khó mà phân biệt được thật, giả.

Cách đây 4 năm, Anh Nguyễn Hữu Phước, ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng quyết định chuyển đổi 6 sào đất cà phê sang trồng bơ. Nghe người dân mách nước anh đã đến xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột để mua giống bơ Booth- 7 của Viện Ea Kmat. Thế nhưng khi đến đây anh như lạc vào “ma trận”, rất nhiều người tới mời chào vào cửa hàng và tự nhận là giống cây của Viện Ea Kmat.

Anh Phước cho biết : “Do nhiều người mời quá, tôi cũng cả nể nên mua đại giống cây tại một cửa hàng mà không có hóa đơn chứng từ gì. Gần 4 năm nay, tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng chăm sóc rất kỹ nhưng kết quả vườn bơ chậm phát triển chưa ra trái. Giờ đây, tôi biết là mình mua phải giống cây kém chất lượng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì không nhớ chính xác cửa hàng mình mua giống.

Còn anh Y Huy ở Krông Păk bức xúc: Cách đây mấy ngày anh có mua 1.000 cây sầu riêng giống DONA quanh Viện Ea Kmat với giá 55.000 đồng/cây. Chủ cửa hàng đã quả quyết đây là giống cây do Viện sản xuất. Nhưng khi mang về nhà định xuống giống, thì nhiều người có kinh nghiệm trong buôn đến kiểm tra cho biết là giống giả không đủ chất lượng. Anh đã mang số cây này trả lại cửa hàng thì bị chủ cửa hàng xua đuổi, không chấp nhận trả hàng. Lỡ bỏ một số tiền lớn mua cây trồng anh đành mang về trồng mà không biết cây có ra quả không.

Thiếu sự quản lý chặt chẽ

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành Nông nghiệp Đăk Lăk, toàn tỉnh có tới gần 200 cơ sở cung cấp cây giống, nhiều nhất tại địa bàn xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (khu vực đứng chân của Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên). Trong đó, những đơn vị cung cấp cây giống có uy tín, được các cơ quan chức năng công nhận như Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Công ty TNHH Một thành viên Dak Farm và Công ty Mười Bơ Tây Nguyên... chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Ma trận” giống cây trồng tại khu vực TP. Buôn Ma Thuột. “Ma trận” giống cây trồng tại khu vực TP. Buôn Ma Thuột.

 

Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện nay Viện chỉ có 3 cơ sở ươm và kinh doanh cây giống tại 53 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk; 03 Quang Trung, TX. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; 322 Trường Chinh, phường Trà Bá, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, xung quanh các trung tâm này có rất nhiều cửa hàng mọc lên và tự nhận là giống của viện. Trên thực tế, nhiều cửa hàng chỉ mua một số lượng giống nhất định của Viện rồi trà trộn nhiều loại không rõ nguồn gốc bán cho người dân. Việc này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới tình hình sản xuất.

Cũng theo Tiến sĩ Trương Hồng, hiện nay việc xin giấy phép kinh doanh cây con giống của các cơ sở kinh doanh quá dễ dàng lại không được kiểm định thường xuyên nên các cơ sở kinh doanh thường trà trộn những cây giống trôi nổi không rõ nguồn gốc. Còn khi các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, các cơ sở giống biết tin đều tạm thời đóng cửa, nghỉ kinh doanh; hoặc chủ doanh nghiệp, đại lý trốn tránh, không hợp tác. Năm ngoái, có doanh nghiệp vi phạm, bị phạt tiền, thu hồi giấy phép nhưng sau đó tìm cách đăng ký kinh doanh trở lại với tên người khác.

Khi được hỏi về vấn đề bảo vệ thương hiệu, Tiến sĩ Trương Hồng cho biết, Viện đã nhiều lần đăng ký sở hữu trí tuệ các sản phẩm giống cây trồng. Song vấn đề gặp khó khăn, là do trước đây Viện lấy tên sản phẩm theo địa chỉ địa phương đứng chân nên khó bảo hộ độc quyền.

Vì thế, trước mắt người nông dân khi mua cây giống cần tự bảo vệ mình bằng việc tìm đến các đơn vị cung ứng giống bảo đảm uy tín, nguồn giống có xuất xứ rõ ràng, mua bán phải có hóa đơn, chứng từ hoặc cam kết bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và có chế tài xử lý thật mạnh nhằm chấm dứt tình trạng này.

 

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.