Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Bất ổn ... Quỹ bình ổn giá xăng dầu!

Sỹ Hào - 07:50, 29/03/2024

Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại không sử dụng để điều tiết giá xăng dầu trên thị trường. Đặc biệt người dân ở nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi phải mua giá xăng dầu theo giá vùng 2, gánh thêm một khoản chi phí, khiến cho cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Bất ổn ... Quỹ bình ổn giá xăng dầu!
Chi phí vận chuyển và tỷ lệ hao tổn cao khiến việc phân phối xăng dầu lên miền núi, vùng cao gặp nhiều khó khăn.

Quỹ bình ổn xăng dầu (Quỹ BOG) được thu qua giá bán lẻ xăng dầu, là tiền của người dân nộp vào, nhằm mục tiêu bình ổn giá. Việc chi sử dụng được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Quỹ BOG thật sự bất ổn khi hoạt động thiếu minh bạch, trích - xả quỹ không theo công thức nào. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến nghịch lý giá xăng dầu liên tục biến động nhưng Quỹ BOG vẫn tồn dư hàng nghìn tỷ đồng.

Quỹ BOG là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước. Nguồn hình thành quỹ bình ổn này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (tối đa 300 đồng/lít), nhưng được quản lý tại doanh nghiệp đầu mối và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành quyết định.

Thông tin mới nhất từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, tính đến ngày 31/12/2023, số dư Quỹ BOG là 6.655,36 tỷ đồng. Tồn dư nhiều là bởi, Quỹ BOG gần như không phải chi nhằm bình ổn giá xăng dầu trên thị trường.

Cụ thể, theo Cục Quản lý giá, số dư Quỹ BOG đến hết quý III/2023 (tính đến hết ngày 30/9/2023) là 6.767,27 tỷ đồng. 

Trong Quý IV/2023 (tính từ ngày 1/10/2023 đến hết ngày 31/12/2023), tổng số trích Quỹ BOG là 14,94 tỷ đồng; tổng số sử dụng Quỹ BOG là 132,83 tỷ đồng; lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương là 3,34 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, liên bộ: Công Thương – Tài chính đã 12 lần điều hành giá xăng dầu, trong đó có 7 lần tăng, 5 lần giảm. Trong lần điều chỉnh gần đây nhất (ngày 21/3), giá các mặt hàng xăng dầu đều tăng mạnh; trong đó, dầu mazut tăng 660 đồng, nâng mức giá lên 17.090 đồng/kg.

Mặc dù giá xăng dầu tăng cao nhưng Quỹ BOG chỉ trích lập 300 đồng/kg để chi bình ổn giá cho dầu mazut; các loại xăng (RON 95-III, E5 RON 92), dầu (diesel, dầu hỏa) không được chi.

Tính chung cả 3 tháng đầu năm, trong 12 lần điều chỉnh, Quỹ BOG chỉ chi bình ổn cho dầu mazut – là mặt hàng chủ yếu bán sỉ, với với tổng mức trích 1.200 đồng/kg. Cộng số lãi phát sinh trên số dư từ đầu năm 2024 đến nay thì hiện Quỹ BOG có thể đang dư số tiền cao hơn con số báo cáo của Cục Quản lý giá.

Theo TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân), Quỹ BOG chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá, chưa giúp bình ổn giá trong nước. Trong khi quỹ còn dư hàng nghìn tỷ đồng thì giá xăng dầu tăng liên tiếp trong 3 tháng đầu năm đã tác động đến sự phục hồi của nền kinh tế, ảnh hưởng làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân.

Bất ổn ... Quỹ bình ổn giá xăng dầu! 1
Người dân ở 46 tỉnh thành (chủ yếu là các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi) phải mua xăng dầu theo giá vùng 2, tức là chịu thêm 2% chi phí so với giá cơ quan quản lý công bố.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2024, với 12 lần điều chỉnh, giá xăng đã tăng tổng cộng gần 4.000 đồng/lít. Trong bối cảnh những tháng đầu năm là thời điểm cần kích thích sức mua; nhưng xăng tăng giá khiến sức mua trên thị trường giảm, tác động lớn đến doanh nghiệp.

Đáng nói hơn là, giá xăng dầu theo điều chỉnh của liên bộ: Công thương – Tài chính chỉ là giá công bố của cơ quan quản lý. Còn trên thực tế, hiện nhiều địa phương phải chịu giá xăng dầu cao hơn do quy định giá theo vùng.

Trong đó, tại thị trường vùng 1 (vùng gần cảng, kho xăng dầu đầu mối) thì được mua với giá công bố của cơ quan quản lý Nhà nước; còn thị trường vùng 2 (xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, có chi phí kinh doanh cao hơn định mức chi phí cấu thành trong giá cơ sở) thì doanh nghiệp, người dân phải chịu thêm 2% chi phí.

Quỹ BOG hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá nên không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Quỹ có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và ngược lại. Ngoài ra, việc trích lập khi giá thế giới tăng cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, nguyên tắc này không đảm bảo bình ổn.
TS Phạm Thế Anh
Trưởng khoa Kinh tế học - Đại học Kinh tế Quốc dân.

Một công bố của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - đơn vị chiếm hơn 50% thị phần xăng dầu cả nước, cho thấy, hiện chỉ có người dân tại 17/63 tỉnh thành được hưởng giá xăng dầu tại vùng 1; 46 tỉnh thành (chủ yếu là các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi) phải mua xăng dầu theo giá vùng 2. Chẳng hạn, lấy giá xăng trong lần điều chỉnh ngày 21/3/2024, giá bán xăng RON 95-V của Petrolimex tại vùng 1 là 24.690 đồng/lít, vùng 2 là 25.180 đồng/lít.

Chính sự bất ổn của Quỹ BOG đã được các chuyên gia kinh tế khuyến cáo từ nhiều năm nay. Khi góp ý vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã khẳng định, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ BOG không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước.