Dự Lễ bế mạc có: Ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Sơn Phước Hoan - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Sóc Trăng, các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức và đông đảo người dân.
Giải có sự tham gia của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam và 7 đội nữ); trong đó, 48 đội của tỉnh Sóc Trăng, 12 đội đến từ các địa phương: Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ. Giải đua diễn ra từ ngày 14 - 15/11, các ghe Ngo nam và nữ tranh tài quyết liệt ở các nội dung 1.200m (đua nam) và 1.000m (đua nữ).
Năm nay, các đội đều có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo từ việc đóng mới ghe Ngo cho đến quá trình tập luyện. Đặc biệt đội ghe Ngo chùa Kos Thum (tỉnh Bạc Liêu) đã mang đến chiếc ghe Ngo độc mộc (từ thân gỗ lớn khoét làm ghe thay vì ghép từng mảnh gỗ vào nhau). Qua đó, đã mang đến nhiều phần tranh tài gay cấn, kịch tính, hấp dẫn người xem.
Kết quả, nội dung đua ghe Ngo nam, giải Nhất thuộc về Đội ghe chùa Tum Núp 2 (huyện Châu Thành), giải Nhì thuộc về Đội Kos Thum (tỉnh Bạc Liêu), giải Ba thuộc về Đội chùa Sro Lôn (huyện Mỹ Xuyên), với giải thưởng tương ứng cho các giải Nhất, Nhì, Ba là 200 triệu đồng, 150 triệu đồng và 100 triệu đồng.
Nội dung đua ghe Ngo nữ, giải Nhất thuộc về Đội Tum Núp huyện Châu Thành, giải Nhì là Đội Ô Chum (thị xã Ngã Năm), giải Ba thuộc về Đội Kos Thum (tỉnh Bạc Liêu) với giải thưởng tương ứng là 150 triệu đồng, 100 triệu đồng và 80 triệu đồng.
Phát biểu tại Lễ bế mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi cho biết: Lễ hội đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân, du khách, nhất là đồng bào Khmer trong cả nước. Giải đua ghe Ngo là hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân, du khách, với sự tham gia của trên 7.000 vận động viên, ước tính từ ngày 14 - 15/11, thu hút trên 200.000 lượt người đến xem và cổ vũ, tăng 30% so năm 2023.
Theo ông Nguyễn Văn Khởi, thông qua các hoạt động của Lễ hội đã thu hút khoảng 620.000 lượt đại biểu và du khách tham quan các hoạt động, trong đó có trên 19.000 lượt khách lưu trú, doanh thu du lịch đạt khoảng 80 tỷ đồng.
“Lễ hội thể hiện sự quan tâm của tỉnh với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, đây cũng là điều kiện để tỉnh Sóc Trăng phát triển du lịch trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Khởi nhấn mạnh.