Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Bệnh sởi đang lây lan nhanh

PV - 16:01, 09/07/2018

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phát hiện hơn 200 ca mắc sốt phát ban dạng sởi tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Sa Pa. Đa số bệnh nhân là trẻ dưới 10 tuổi.

Để chủ động phòng chống bệnh sởi, Sở Y tế Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp giám sát, điều trị cho bệnh nhân ngay tại cơ sở. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã cử các đoàn giám sát, hỗ trợ địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh tại cơ sở, cụ thể như: Duy trì các điểm giám sát tại các thôn có bệnh nhân; kịp thời lấy mẫu khi có bệnh nhân mắc mới; kết hợp tốt giữa trung tâm y tế với bệnh viện đa khoa huyện trong việc giám sát, quản lý bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và bệnh nhân ra viện trở về nơi cư trú.

Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai kiểm tra tình hình dịch sởi tại Sa Pa. Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai kiểm tra tình hình dịch sởi tại Sa Pa.

Bên cạnh đó, tổ chức truyền thông trực tiếp tại các hộ gia đình và tổ chức họp thôn, đặc biệt là các hộ gia đình có bệnh nhân mắc bệnh, đang điều trị và sau điều trị. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã tiếp nhận 37.000 liều vắc xin phòng bệnh sởi/rubella do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp bổ sung để phục vụ cho chiến dịch tiêm phòng sắp tới. Tổ chức điều tra, rà soát các đối tượng trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn các huyện Sa Pa, Bảo Thắng, Bát Xát để chuẩn bị cho việc triển khai chiến dịch phòng chống bệnh sởi.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa, những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh sốt phát ban đang được điều trị cách ly tại Khoa Truyền nhiễm, hiện có hơn 20 bệnh nhân đang điều trị tại đây. Chị Trương Thị Mến, điều dưỡng viên cho biết: Sốt phát ban dạng sởi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, để đảm bảo không lây lan bệnh, chúng tôi đã khuyến cáo, yêu cầu bệnh nhân và người nhà tuyệt đối không ra khỏi khu vực cách ly của bệnh viện. Thậm chí hằng ngày, chúng tôi phải đặt cơm cho bệnh nhân để hạn chế tối đa việc tiếp xúc của bệnh nhân với những người bên ngoài.

Bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Pa cho biết: Trung tâm đang tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch như: Tuyên truyền, phát tài liệu, tờ rơi về bệnh sốt phát ban tại các cụm dân cư nơi có bệnh nhân và nơi tập trung đông người để người dân chủ động nhận biết, phát hiện sớm, phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng; vận động người dân vệ sinh trong nhà và ngoại cảnh, đưa bệnh nhân vào bệnh viện để được cách ly và điều trị kịp thời.

“Tuy nhiên, do tập quán sinh hoạt và nhận thức của một số người dân hạn chế, nên vẫn còn tư tưởng chủ quan, chưa ý thức được việc cần phải phòng, chống lây lan dịch trong cộng đồng”, bà Thủy cho biết thêm.

Theo ông Nông Tiến Cương, Giám đốc Sở Y tế Lào Cai, ngay sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên bị sốt phát ban dạng sởi dương tính với sởi, ngày 15/5, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tạm ứng 7.000 liều vắc xin sởi từ nguồn tiêm chủng thường xuyên của tỉnh tiêm phòng cho tất cả trẻ em từ 9 tháng đến dưới 10 tuổi ở thôn Sả Séng, xã Sa Pả. Đây là nơi đầu tiên phát hiện ca sốt phát ban trên địa bàn huyện vào đầu tháng 5. Thôn Sả Séng có 46 người mắc bệnh đã được điều trị khỏi, chỉ còn 1 người đang điều trị tại bệnh viện.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, thường xảy ra vào mùa đông xuân, tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như: sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mắt, mũi, sưng nề mí mắt… Đặc biệt là sẽ có các hạt như mụn trong miệng, sau đó sẽ xuất hiện ban đỏ từ đầu, mặt, cổ rồi lan dần xuống ngực, lưng, tay, chân.

Bệnh sởi tuy lành tính nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… và có thể gây nên tử vong. Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư…

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.