Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Bệnh trầm cảm và những vụ tự sát của phụ nữ sau sinh

PV - 14:43, 25/06/2019

Những năm gần đây, tình trạng phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh và do áp lực công việc và cuộc sống đang ngày càng tăng... Bệnh trầm cảm nếu phát hiện kịp thời thì việc điều trị khỏi là rất cao, tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, nhiều gia đình ở vùng nông thôn, đặc biệt là bà con đồng bào DTTS lại cho rằng, bệnh do “ma nhập, quỷ ám” khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bác sĩ làm liệu pháp tâm lý cho bệnh nhân. Bác sĩ làm liệu pháp tâm lý cho bệnh nhân.

Tại khoa Bán cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, nơi đang điều trị cho hàng chục nữ bệnh nhân, có nhiều người phải nhập viện bởi căn bệnh trầm cảm cùng các triệu chứng của bệnh loạn thần, khiến họ luôn tưởng tượng ra những điều kì quái, những câu chuyện lâm li bi đát. Nguy hiểm hơn, họ cảm thấy chán sống và luôn nghĩ đến việc tự sát.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Vân, Trưởng khoa Bán cấp tính nữ, bệnh trầm cảm sau sinh xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt ở những phụ nữ sinh con lần đầu. Có trường hợp biểu hiện loạn thần dẫn tới việc cố tự sát và mất kiểm soát hành vi. Căn bệnh này không buông tha bất cứ ai, dù là giáo viên, nhân viên ngân hàng hay bác sĩ… đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, căn bệnh này cũng có khả năng hồi phục cao sau khi được điều trị. Một yếu tố tác động trong việc hồi phục này, đó là người bệnh và người thân sớm phát hiện được các biểu hiện của trầm cảm hay không.

Bệnh nhân Nguyễn Thị H. được người nhà cho nhập viện khi có biểu hiện hay quên, hay cáu gắt, luôn trong tình trạng căn thẳng mệt mỏi. Chị H đã có chồng và mới sinh con, khi gặp những biểu hiện như vậy, gia đình đã cho đi khám nhưng không ra bệnh gì. Sau một thời gian do không được điều trị, chị H đã có tâm lý chán nản, muốn tự sát.

Vào một ngày, khi chỉ có một mình và đứa con nhỏ trong phòng, chị H đã quấn chăn vào người và châm lửa. Ngọn lửa bùng lên đốt cháy một phần lưng và cánh tay, nghe tiếng con khóc, chị mới tỉnh lại và kêu cứu người nhà. Mọi người tới đập cửa để vào cấp cứu thì cơ thể của chị đã bỏng rất nặng.

Các bác sĩ tại bệnh viện cho biết, chị H. bị bỏng tới 60% cơ thể. Sau khi điều trị bỏng xong, chị được chuyển tới Bệnh viện Tâm thần Trung ương I để tiếp tục điều trị về tâm thần.

Hiện nay, khái niệm trầm cảm sau sinh vẫn còn rất xa lạ với bà con vùng sâu, vùng xa. Thấy biểu hiện của người nhà là những phụ nữ mới sinh nở, có những hành động như; mất ngủ, bỏ ăn, cáu bẳn… họ thường mời thầy mo, thầy cúng về làm lễ giải hạn và đuổi “con ma” ra khỏi người phụ nữ mới sinh con!

Trường hợp chị Lò Thị M. (SN 1998), huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là một ví dụ, Chị bị bệnh trầm cảm sau sinh nhưng người nhà không biết, tin vào thầy cúng và nghĩ “chỉ cần mời thầy về làm lễ là sẽ khỏi bệnh”. Mặc dù đã mời rất nhiều thầy và cúng nhiều lần nhưng bệnh tình của chị M ngày một nặng thêm. Đã 2 lần chị tự lao đầu vào ô tô và nhảy xuống giếng tự tử, nhưng rất may không chết.

Nói về những đặc điểm chung của bệnh nhân trầm cảm, các bác sĩ cho biết, đó là cảm giác đau khổ, buồn chán không rõ nguồn cơn, luôn chán nản khi suy nghĩ đến cuộc sống tương lai. Với những cảm xúc đó đã khiến họ muốn tự sát và khiến nhiều người trong gia đình bất ngờ. Bởi trước khi sinh con, họ đều từng là những người hoạt bát, vui vẻ...

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân khuyến cáo: “Với những bệnh nhân có khuynh hướng tự sát, gia đình phải tuyệt đối để ý, không thể lơ là ngay cả sau khi bệnh nhân đã được điều trị ổn định, vì bệnh có thể quay lại bất cứ lúc nào khi có những tác động không thuận lợi từ hoàn cảnh sống”.

TUẤN TRÌNH

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.