Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên: Bộc lộ nhiều bất cập ngay sau khi đưa vào hoạt động

PV - 16:20, 07/05/2019

Được đầu tư xây dựng với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) mở ra kỳ vọng khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho đông đảo người dân ở Đăk Lăk và các tỉnh lân cận, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa. Vậy nhưng, vừa đưa vào sử dụng vài tháng, nhiều hạng mục xây dựng bất hợp lý đã “hành khổ” người bệnh lẫn nhân viên y tế, nhiều bác sĩ giỏi đã xin nghỉ việc vì không phát huy được năng lực, sở trường.

Giữa các khu khám, điều trị của Bệnh viện cách xa nhau, đường dốc, không có cầu thang nối, đi lại rất vất vả. Giữa các khu khám, điều trị của Bệnh viện cách xa nhau, đường dốc, không có cầu thang nối, đi lại rất vất vả.

“Chảy máu chất xám”

BVĐK vùng Tây Nguyên chính thức vận hành ngày 20/02/2019. Tất các các nhân viên y tế và trang thiết bị của BVĐK tỉnh Đăk Lăk đều chuyển về đây để hoạt động. Ngay từ những ngày đầu, hàng ngàn bệnh nhân ở Tây Nguyên đã tìm đến bệnh viện với mong muốn được tiếp cận chữa bệnh trong điều kiện cơ sở vật chất tốt và nhiều kỹ thuật chuyên sâu như: Tim mạch, ung bướu… Nhiều bác sĩ giỏi cũng kỳ vọng được thể hiện hết khả năng của mình phục vụ người bệnh, nhưng thực tế thì trái ngược.

Bác sĩ Lê Đức Th. buồn rầu cho biết: Được đào tạo chuyên sâu về tim mạch, có thể thực hiện tất cả các kỹ thuật khó. Khi nghe Dự án BVĐK vùng Tây Nguyên triển khai xây dựng, tôi đã quyết định về Đăk Lăk định cư và xin vào làm việc tại Bệnh viện vì nghĩ rằng, trước sau các kỹ thuật cao cũng được triển khai. Khi đó, bà con Tây Nguyên sẽ bớt phải khăn gói đi TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, Hà Nội để chữa bệnh. Nhưng, thực tế thì không được như kỳ vọng ban đầu nên tôi quyết định rời đi, ở lại sợ các kỹ thuật mình đã được đào tạo không được dùng, lụi nghề mất.

Ông Y Tuấn cùng hàng chục bệnh nhân ở huyện biên giới Ea Súp thất vọng: Bệnh tim mạch là bệnh nguy hiểm, nhanh tử vong hoặc biến chứng nếu xử lý không kịp. Mà các buôn làng mình bây giờ ngày càng nhiều người mắc phải. Cứ ngỡ đưa bệnh viện ngàn tỷ vào hoạt động thì đồng bào DTTS ở các huyện biên giới sẽ được hưởng nhiều kỹ thuật tốt, đỡ phải chuyển tuyến đi xa, tốn kém, nhưng giờ bị tim nặng nên phải chuyển đi tuyến trên điều trị thôi.

Bác sĩ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc BVĐK vùng Tây Nguyên khẳng định: Thu hút được đội ngũ các bác sĩ giỏi về làm việc tại Bệnh viện là yếu tố then chốt, quan trọng. Nhưng thực tế về đây, thu nhập đang ở mức thấp, một số kỹ thuật lại chưa được triển khai. Mới đây, Bệnh viện đề xuất được triển khai các kỹ thuật can thiệp tim mạch, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà Sở Y tế Đăk Lăk chưa đồng ý. Ngay trong tháng 4/2019 đã có 3 bác sĩ giỏi về tim mạch xin thôi việc ra đi. Việc triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch là rất cấp bách, nó đáp ứng cả nhu cầu của bác sĩ lẫn bệnh nhân.

Nhiều bất cập

Người giỏi thì liên tục ra đi, còn cơ sở vật chất của Bệnh viện vừa đưa vào sử dụng đã bộc lộ nhiều bất cập. Các tòa nhà khám, điều trị bệnh được xây trên một thửa đất dốc, cách xa nhau nhưng lại không có cầu thang nối giữa các khối. Khi di chuyển, cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế phải cuốc bộ, cơ cực nhất là vận chuyển bệnh nhân nặng.

Bác sĩ Nguyễn Đại Phong thông tin: Cầu nối giữa tòa nhà này với tòa khác, khoa này với khoa khác không có. Không chỉ bệnh nhân khổ mà mỗi lần bác sĩ đi thăm khám, hội chẩn cũng phải vừa đi vừa chạy bộ. Hiện tại, khu xử lý nhiễm khuẩn cũng bất tiện, vừa nằm xa các khu điều trị, xét nghiệm, đường lại dốc, nhân viên y tế rất vất vả. Nhiều thiết bị trong Bệnh viện còn thiếu, hỏng, lỗi.

Trong Báo cáo số 540/BC-BVVTN, ngày 11/4 của BVĐK vùng Tây Nguyên gửi Sở Y tế Đăk Lăk liệt kê: Giấy chứng nhận kiểm định khí sạch cho các phòng mổ chưa có. Thiếu dầu cho motor hút khí nên motor số 3 ngừng hoạt động. 2 bộ điều áp HT oxy dự phòng và bộ điều áp HT CO2 khu trung tâm Bệnh viện nhiệt độ rất nóng, vượt mức cho phép, không an toàn. Vậy nên nhân viên vận hành buộc phải dừng hoạt động…

Một số nhân viên y tế Khoa Ung bướu mệt mỏi cho biết: Khoảng cách giữa khoa này với các khoa xét nghiệm, siêu âm… rất xa, đường lại dốc. Có ngày trung bình một nhân viên phải đẩy băng ca hàng chục km, rã rời chân tay.

Nhiều thân nhân người bệnh cũng bức xúc cho biết: Nhiều chỗ ngồi chờ khám bệnh, không lắp đặt quạt, nóng như nung. Phía ngoài thì không có cây xanh, cả khuôn viên Bệnh viện cứ như những khối bê tông trơ trọi trên sa mạc vậy (!)

ĐÔNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.