Ông Nịnh Văn Toàn (thứ hai từ phải sang) - tấm gương sáng về học và làm theo Bác Học Bác từ tinh thần “nói đi đôi với làm”
Thôn Tân Tiến, xã Tân Bình có trên 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người Sán Chỉ. Trước đây, nhận thức của bà con còn hạn chế, kinh tế chậm phát triển, đời sống còn nhiều khó khăn. Vốn là người “nói ít, làm nhiều”, ông Toàn bắt đầu từ việc phát triển kinh tế gia đình để bà con thấy và làm theo. Tận dụng thế mạnh đất đai, ông mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế VAC: nuôi lợn nái, lợn thịt, trồng cây ăn quả, trồng rừng, sản xuất lúa và hoa màu. Mỗi năm, gia đình ông xuất chuồng từ 75–80 con lợn, thu nhập từ trồng cam, vải, na bở và cây trồng khác đạt vài trăm triệu đồng.
Không giấu nghề, ông Toàn nhiệt tình hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, người dân trong thôn mạnh dạn đầu tư vào mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Bộ mặt kinh tế - xã hội của thôn Tân Tiến có bước chuyển rõ nét: không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 88 triệu đồng/năm – một con số ấn tượng đối với vùng đồng bào DTTS.
Ông Toàn luôn gương mẫu đi đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôiTrong xây dựng nông thôn mới, ông Toàn tích cực tuyên truyền vận động bà con đồng bào DTTS và Nhân dân trong thôn hiến đất, vật liệu kiến trúc, xây dựng hạ tầng, đường nội thôn, đường ngõ xóm, công trình công cộng. Đến nay, đã có 8 hộ dân hiến trên 1.500m2 đất và cây cối hoa màu để mở rộng lề đường, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu của thôn; Nhân dân tham gia 40 ngày công lao động đổ sân bóng chuyền với diện tích hơn 200m2; vận động được Nhân dân đóng góp xã hội hóa 6,5 triệu đồng để lắp mới và sửa chữa đèn, đường dây điện thắp sáng đường quê, tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch đẹp; tổ chức các đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương, trồng hoa, cây xanh tại các tuyến đường liên xóm...
Ông Lý Văn Bình, một người dân không ngớt lời khen khi nhắc về Bí thư của thôn mình: “Bác Toàn không chỉ là Bí thư trách nhiệm, mà còn là một trưởng thôn gương mẫu, đi đầu trên tất cả mọi mặt để bà con chúng tôi học hỏi để làm theo. Bác xứng đáng là tấm gương của đồng bào dân tộc Sán Chỉ vùng đất Đầm Hà chúng tôi”.
Gần dân, hiểu dân để giúp dân
Trong vai trò Bí thư Chi bộ, ông Toàn thường xuyên trò chuyện nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cùng những khó khăn, vướng mắc trong dân để kịp thời phản ánh với Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc; nâng cao ý thức cảnh giác về âm mưu, hoạt động lợi dụng vùng đồng bào DTTS của các thế lực thù địch... Qua đó, trong những năm gần đây, tình hình an ninh, trật tự trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn thôn, xã được đảm bảo ổn định, không để xảy ra các vụ việc phức tạp.
Học Bác từ sự lắng nghe và tôn trọng Nhân dân, ông kiên trì tuyên truyền để đồng bào Sán Chỉ hiểu và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ông thường tâm niệm: “Là đảng viên, là Bí thư Chi bộ, không thể chỉ ngồi họp, đọc nghị quyết. Phải gần dân, sát dân, lo cái lo của dân, thì dân mới tin, mới theo”.
Những năm qua, ông Toàn còn tích cực vận động bà con gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Sán Chỉ từ trang phục, lễ hội, tiếng nói đến các phong tục truyền thống. Ông bền bỉ tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu.
Và cứ thế, ông Toàn chọn học và làm theo Bác bằng chính sự tận tâm, trách nhiệm trong từng việc nhỏ cho dân, cho làng. Gần dân, hiểu dân, sống vì dân- là phương châm, “ngọn đèn soi đường” để người đảng viên gần 60 tuổi ấy tiếp tục lặng lẽ cống hiến, góp phần dựng xây một vùng quê vùng cao ngày càng khởi sắc, yên bình và ấm no.