Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - Con người đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp

PV - 10:57, 29/12/2020

Ngày 29/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - Chân dung một con người đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp".

PGS-TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
PGS-TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, đồng chí Kim Ngọc, tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917, trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống yêu nước và cách mạng, tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Xuất thân trong gia đình nông dân, Kim Văn Nguộc đã thấu tỏ những tâm tư, nguyện vọng của người nông dân. Những trải nghiệm trong cuộc sống ở vùng đất thuần nông đã hun đúc, hình thành trong ông những suy nghĩ, mong muốn, phải làm sao cho người nông dân thoát khỏi cảnh cơ cực, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, dù ở cương vị và lĩnh vực công tác nào, đặc biệt với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (từ năm 1959), đồng chí Kim Ngọc luôn tỏ rõ phẩm chất của một người cộng sản chân chính, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện ước vọng lớn nhất của cuộc đời mình là đem lại ấm no cho người nông dân. Với quyết tâm ấy, chủ trương "Khoán hộ" của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ra đời.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Trung Ý, chủ trương "Khoán hộ" là một hướng đi tích cực trong tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng "dong công, phóng điểm" diễn ra phổ biến trong các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc lúc bấy giờ.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hải Phòng Đỗ Đức Hòa, chủ trương "khoán" là hướng đi táo bạo trong tìm tòi cách thức làm ăn mới, cách thức quản lý mới gắn lợi ích với kết quả lao động của người nông dân nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khoán trong nông nghiệp đã xuất hiện trong vài hợp tác xã ở hai huyện An Lão, Tiên Lãng. Đặc biệt đối với các lãnh đạo ở xã Đoàn Xá, Đồ Sơn nay thuộc huyện Kiến Thụy đã mạnh dạn cùng tập thể cấp ủy, chính quyền và Nhân dân bàn cách "phá rào" đi lên - đây là cơ sở để Hải Phòng hình thành nên phương thức "Khoán sản phẩm trong nông nghiệp đến nhóm và người lao động". Từ "Khoán hộ" ở Vĩnh Phúc đến "Khoán sản phẩm trong nông nghiệp" ở Hải Phòng là những cơ sở thực tiễn của "Khoán 100" và "Khoán 10" chính là bệ phóng cho nông nghiệp.

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng ôn lại thân thế, sự nghiệp và tôn vinh những cống hiến nổi bật của đồng chí Kim Ngọc đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và sự phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam nói riêng. Các đại biểu cho rằng, tấm gương đổi mới, sáng tạo trong phát triển nông nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, để lại những kinh nghiệm, bài học quý có thể kế thừa, phát huy trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng phát biểu bế mạc Hội thảo. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng phát biểu bế mạc Hội thảo. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Kết luận Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khẳng định, những quan điểm và việc làm của đồng chí Kim Ngọc liên quan đến chủ đề "Khoán hộ" đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân trân trọng ghi nhận. Thông qua Hội thảo, có thêm cơ hội để cùng "gặp lại" đồng chí Kim Ngọc, một tấm gương "vì nông dân", "dựa vào nông dân" theo tư tưởng của Bác Hồ vĩ đại. Ôn lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông dân trong mối tương quan với dân tộc, với đất nước và cách mạng Việt Nam là một việc làm cần thiết, góp phần giải đáp ngọn nguồn hình thành nên tính cách và hành động của đồng chí Kim Ngọc trong những năm đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú sau đó.

Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, với người nông dân, Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc sẽ mãi mãi là một trong những câu chuyện đẹp như huyền thoại trong thời đại Hồ Chí Minh và đáng ghi nhớ nhất của thế kỷ XX. Những đóng góp của đồng chí Kim Ngọc đã in dấu vào đời sống hàng chục triệu người nông dân Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua. Với truyền thống "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", nông dân Việt Nam mãi mãi tri ân đồng chí Kim Ngọc.

Dịp này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã quyết định truy tặng Kỷ niệm chương "Vì giai cấp nông dân Việt Nam" cho đồng chí Kim Ngọc...