Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Biên giới Việt Nam - Lào: Hòa bình, hợp tác, cùng phát triển

Minh Thu - 11:54, 06/09/2023

Việt Nam - Lào, hai quốc gia láng giềng, có chung đường biên giới với tổng chiều dài hơn 2.300km, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết, gắn bó keo sơn từ 61 năm qua. Sự gắn bó được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử, trở thành mối quan hệ mẫu mực, trong sáng và thủy chung hiếm có trên thế giới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (tháng 4/2023).
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (tháng 4/2023).

Mối quan hệ hữu nghị đặc biệt

Hai nước Việt Nam và Lào cùng có sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề hợp tác biên giới và cụ thể hóa bằng việc ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới (ngày 18/7/1977) giữa hai nước. Từ đó, tạo nền tảng chính trị và luật pháp nhằm giải quyết các vấn đề biên giới chung giữa hai quốc gia.

Kể từ năm 1977 đến nay, Việt Nam và Lào đã ký tiếp hai Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới, ba Nghị định thư về đường biên giới trên thực địa và cắm mốc toàn bộ đường biên giới chung giữa hai nước; ký các Hiệp định về quy chế biên giới giữa hai nước, cùng nhiều văn bản bổ sung liên quan. Tạo tiền đề để hai bên đạt được những thỏa thuận chung, có ý nghĩa quan trọng về chính trị, phát triển kinh tế khu vực biên giới, hợp tác văn hóa, du lịch giữa Nhân dân Việt Nam và Lào.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Nhà nước Lào Khamphan Phommaphat tại Hà Nội (tháng 6/2023).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Nhà nước Lào Khamphan Phommaphat tại Hà Nội (tháng 6/2023).

Đặc biệt, từ năm 2015, khi hai nước ký kết hiệp định hợp tác giao thương biên giới, đến nay, hai bên đã đạt được các thành tựu tích cực trên nhiều mặt. Hiện có tổng cộng 36 chợ biên giới Việt Nam - Lào đang hoạt động. Hai bên cũng có 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu quốc gia, 18 lối mở biên giới và 8 khu kinh tế đặc thù.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia đầu tư 414 dự án tại Lào với giá trị 4,2 tỷ USD, đứng thứ 3 trong nhóm các quốc gia đầu tư vào Lào. Đặc biệt, tại 10 tỉnh biên giới của CHDCND Lào hiện có 110 dự án đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Việt Nam, trị giá trên 2,7 tỷ USD. Các dự án này đã đóng góp vào nguồn thu ngân sách Nhà nước, đồng thời mang lại lợi ích cho kinh tế - xã hội, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của nước bạn Lào.

Tháng 12/2022, trong khuôn khổ các các sự kiện chào mừng 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022), 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào và 45 năm ký Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào (18/7/1977-18/7/2022), tại tỉnh Nghệ An, Bộ Ngoại giao hai nước Việt Nam - Lào đồng tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho các trưởng bản tiêu biểu hai bên biên giới Việt Nam - Lào.

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith tham quan trưng bày ảnh hoạt động hợp tác hữu nghị hai nước trong khuôn khổ Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho các trưởng bản tiêu biểu hai bên biên giới Việt Nam - Lào (năm 2022).
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith tham quan trưng bày ảnh hoạt động hợp tác hữu nghị hai nước trong khuôn khổ Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho các trưởng bản tiêu biểu hai bên biên giới Việt Nam - Lào (năm 2022).

Tại Hội nghị, các trưởng bản tiêu biểu hai bên biên giới đã được nghe các tham luận quan trọng về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào về công tác biên giới và các nội dung chính sách, pháp luật có liên quan đến vùng biên giới hai nước. Đồng thời trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn trong công tác bảo vệ đường biên, mốc giới trên địa bàn thôn, bản, khu vực sản xuất của Nhân dân để công tác này ngày càng tốt hơn.

Toàn cảnh Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho các trưởng bản tiêu biểu hai bên biên giới Việt Nam - Lào (năm 2022).
Toàn cảnh Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho các trưởng bản tiêu biểu hai bên biên giới Việt Nam - Lào (năm 2022).

Cũng trong năm 2022, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào tổ chức Hội nghị Quan chức cao cấp Việt Nam - Lào về lao động, phúc lợi xã hội và phát triển nguồn nhân lực. Đây là một trong những hoạt động nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (5/9/1962 - 5/9/2022).

Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành hướng dẫn tuyên truyền công tác biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào năm 2022. Theo đó, tiếp tục tuyên truyền quan điểm của Việt Nam về vấn đề biên giới trên đất liền, việc thực hiện các Tuyên bố chung và Thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao; tuyên truyền về các văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến biên giới Việt Nam - Lào. Tiếp tục tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử, lợi ích của việc xây dựng và quản lý hiệu quả tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định cùng phát triển; việc thực thi có hiệu quả các văn bản pháp lý liên quan đến công tác biên giới giữa hai nước và các tuyên bố chung, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước. Tuyên truyền thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú.

Chợ Na Mèo là địa điểm giao thương hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa người dân huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) và huyện Viengxay (Lào) nói riêng, người dân hai nước Việt Nam - Lào nói chung.
Chợ Na Mèo là địa điểm giao thương hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa người dân huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) và huyện Viengxay (Lào) nói riêng, người dân hai nước Việt Nam - Lào nói chung.

Tăng cường tuyên truyền về quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào; các hoạt động hợp tác, trao đổi, giao lưu văn hóa - xã hội của các cấp chính quyền và Nhân dân khu vực biên giới hai nước; các mô hình kết nghĩa giữa các địa phương, cụm dân cư, bản - bản và đồn biên phòng giữa hai nước; những thành quả đạt được chính là việc xây dựng và quản lý hiệu quả tuyến biên giới theo phương châm “hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”. Tuyên truyền, động viên người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh trật tự khu vực biên giới; tuyên truyền nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới; đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, nhập cảnh trái phép, hiện tượng di cư tự do và kết hôn không giá thú. Đồng thời nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh…

Giữ gìn tài sản chung vô giá của Nhân dân hai nước

Tháng 4/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có chuyến thăm nước CHDCND Lào với 18 hoạt động đa dạng và phong phú tại Thủ đô Vientiane. Chuyến thăm đạt nhiều kết quả cụ thể, tạo động lực mới, có ý nghĩa quan trọng cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào trên tất cả các lĩnh vực hợp tác.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Lãnh đạo hai nước đã chứng kiến Lễ ký và trao đổi 2 văn kiện hợp tác gồm: Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực khoa học giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.

Phát biểu tại tiệc chiêu đãi chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: “Hai nước chúng ta có mối quan hệ đặc biệt hết sức trong sáng, thủy chung, “có một không hai” trên thế giới, được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước dày công vun đắp, thấm đẫm máu xương, hy sinh của bao lớp cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và Nhân dân hai nước. Trải qua thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ “trong sáng như trăng rằm” giữa hai dân tộc không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc chúng ta”.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã góp phần triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao của hai Đảng, hai nước, đặc biệt là Thỏa thuận Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025.

Cửa khẩu quốc tế Chalo (tỉnh Quảng Bình, Việt Nam).
Cửa khẩu quốc tế Chalo (tỉnh Quảng Bình, Việt Nam).

Còn tại Hà Nội, hồi đầu tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp đồng chí Khamphan Phommaphat, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trưởng Ban phòng, chống tham nhũng Trung ương, Tổng Thanh tra Nhà nước Lào.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Lào là mối quan hệ đặc biệt, không ngừng được vun đắp và phát triển; khẳng định Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng hợp tác với Lào trong công cuộc phát triển đất nước và luôn làm hết sức mình để thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ anh em thân thiết, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng về những thành tựu to lớn, quan trọng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào anh em đã đạt được trong thời gian qua và bày tỏ tin tưởng rằng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Lào sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ IX giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng đất nước Lào ngày càng phồn vinh và thịnh vượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam sẽ cùng Chính phủ, Nhà nước và Nhân dân Lào anh em mãi mãi duy trì và phát triển mối quan hệ thủy chung, trong sáng như lời Chủ tịch Kaysone Phomvihane “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông” và lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việt - Lào hai nước chúng ta; Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.


Tin cùng chuyên mục
Trung ương giới thiệu ông Tô Lâm để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn bầu làm Chủ tịch Quốc hội

Trung ương giới thiệu ông Tô Lâm để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn bầu làm Chủ tịch Quốc hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng việc Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu: Đồng chí Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch nước và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội để Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.